Chuyển đến nội dung chính

Tổng hợp sách: Lối sống Tối giản

Bắt đầu từ một ý tưởng:
Ý tưởng sống tối giản cũng là một cái duyên đối với mình.

Vào năm 2019, cũng có khá nhiều cơ may để mình biết đến lối sống này. Nhưng để ý thức trở thành động lực và động lực biến thành hành động thì phải nói đến cuốn sách "The Happiness Project" (2009) của luật sư, blogger và nhà văn người Mỹ - Gretchen Rubin.

Đây không hẳn là một cuốn sách viết về lối sống tối giản. Một phần nhỏ xíu trong cuốn sách này viết về sự ngăn nắp và tối giản đồ đạc - một trong những bước khởi đầu đi tìm lại niềm hạnh phúc trong cuộc sống của Gretchen. Vì bị lôi cuốn vào ý tưởng và kết quả mang lại từ việc dọn dẹp tủ áo quần, đồ đạc xung quanh - như một cách giảm stress - mình đã thử làm theo và thấy có hiệu quả. Mình lại tiếp tục tìm hiểu thêm về lối sống tối giản trên Youtube, báo chí và không quên tìm cho mình những cuốn sách viết về lối sống này.

Những cuốn sách đến từ Nhật Bản:


Hình: Internet

Mình tìm và chọn đọc hai cuốn, "Nghệ thuật bày trí của người Nhật" (2011) của cô Marie Kondo, "Lối sống tối giản của người Nhật" (2015) của Sasaki Fumio. Ở hai cuốn sách này mình thấy có một điểm chung là viết về đồ đạc ở ba phía cạnh: vứt bỏ, sở hữu ít và bày trí hợp lý.

Cuốn sách thứ nhất, đúng như tên gọi, sách tập trung vào sắp xếp đồ đạc một cách khoa học. Mình tập gấp áo quần, tất và bày trí tủ áo quần theo chỉ dẫn của cô Marie. Trải tất cả những bộ đồ mình có trên giường, phân loại theo mùa và lọc ra những cái nào cũ, ít mặc sang một bên.

Mình cũng học cách cảm nhận về đồ đạc, tất nhiên là không đến nỗi phải nhắm mắt và sờ cảm nhận. Với mình, cái nào khiến mình cảm thấy nhẹ nhàng, vui vẻ khi mặc thì mình giữ lại. Cái nào nặng nề và không phải gu của mình (thường là đồ được cho) mình cân nhắc vứt bỏ. Sau lần đó mình cũng bỏ đi được một số cái, tủ áo quần lại ngăn nắp và chỉ chứa những đồ mình thường xuyên mặc.

Mặc dù vậy, mình thấy là xem cô hướng dẫn trên Youtube có vẻ dễ dàng hình dung hơn là đọc cuốn sách này. Mà thực lòng khi đọc những cuốn sách kiểu này mình chỉ cố gắng đọc nhanh, lấy ý chính và áp dụng ngay vào thực tiễn. 😁

Hình: Internet

Cuốn sách thứ hai được khá nhiều bạn chia sẻ là hay và khuyên đọc trên Youtube. Mà mình thì hơi ngược đời một chút xíu, cuốn này mình cho là không hay cho lắm. Chắc có thể mình không nhận nhiều bài học hành động như cuốn sách của cô Marie.

Hình: Internet

Về nội dung thì Sasaki viết về lý do người Nhật sống tối giản, 55 quy tắc vứt bỏ và 12 điều cảm nhận của tác giả về lối sống này - mình thật sự chỉ nhớ có vậy. Thực ra, thì mình thấy, Sasaki tiếp cận lối sống tối giản theo cách khá khô khan, vứt và vứt bỏ đồ đạc. Nó không cuốn hút mình lắm như cuốn "The Happiness Project" của cô Gretchen.


Sách gối đầu giường:
Hình do mình chụp.

"L'art de la Simplicité" (2005) của Dominique Loreau giúp mình sống tối giản một cách toàn diện. Tối giản không chỉ là vứt bỏ đồ đạc hay sắp xếp chúng ngăn nắp, mà nó còn là lối sống chăm chút đến tinh thần, sức khỏe nữa. Cô Dominique viết về những gì cô quan sát được ở Nhật trong 30 năm. Khác với hai cuốn sách Nhật, cô Dominique không chỉ nói đến đồ đạc, cô còn bàn tối giản về thời gian, tiền bạc và làm đẹp

Cuốn sách toàn diện vì nó đề câp đến cuộc sống con người ở ba phương diện: Vật chất, thể chất và tinh thần. À thì ra là vậy, đó là điều mình cảm thấy thiêu thiếu ở hai cuốn sách trên và khiến mình không thỏa mãn. Mình hình thành những ý niệm mới về vật chất tối giản: Vứt bỏ, sắp xếp và đến giờ là chỉ giữ lại những thứ mình thực sự cần, thường xuyên dùng, mỗi thứ một cái nhưng phải thực sự tốt và đem lại cảm giác thoải mái khi dùng đến. Điều quan trọng đồ đạc đó phải thể hiện đúng con người của mình: đơn giản và tiện dụng. Màu sắc cũng là yếu tố cân nhắc đến khi chọn sống tối giản: hài hòa, trang nhã và có thể mặc bất cứ dịp nào./.



.

Bài viết được xem nhiều

Sách và kiến thức: Phương pháp E.A.S.Y là gì?

Phim và bài học: Ngôi nhà nhỏ trên thảo nguyên Những mùa Giáng sinh không thể quên

Cảm nhận sách: Totto-chan cô bé bên cửa sổ