Chuyển đến nội dung chính

Tóm tắt sách: Tiền không mọc trên cây


Hình bìa cuốn sách, nguồn Internet.

Cuốn sách này dành cho ai?

+ Nếu bạn đang làm cha mẹ của những nhóc từ 3 tuổi đến 18 tuổi và đang loay hoay trong việc dạy con về tiền nông thì xin chúc mừng đây là chính xác là cuốn sách mà bạn đang cần.
+ Nếu bạn chưa/ không có con, đơn giản là muốn tìm hiểu cách giáo dục trẻ từ 3 đến 18 tuổi về việc sử dụng tiền bạn có thể tham khảo cuốn sách này.
+ Nếu bạn nghĩ rằng mình từ trước đến nay chưa từng được ai bày vẹ sử dụng tiền và muốn "tự giáo dục" mình, cuốn sách này cũng dành cho bạn nốt.

Godfrey cho rằng "có rất nhiều người lớn - đặc biệt là phụ nữ, những người chăm sóc chính của trẻ em, và những độc giả chính của những cuốn sách nuôi dạy trẻ - lại không hiểu biết nhiều về tiền bạc""Tiền không mọc trên cây" dành cho những người phụ nữ, người lớn như vậy. Nhưng kể cả khi, bạn khá tự tin tự nhận mình là người rất am hiểu về tiền bạc, thì những chia sẻ của Neale S. Godfrey cũng là một nguồn tham khảo khá hay ho, đáng để áp dụng và thử nghiệm.

Vài nét sơ lược về cuốn sách và tác giả:

"Tiền không mọc trên cây" của Neale S. Godfrey nhằm cung cấp cho các bậc làm cha làm mẹ những kỹ năng và ý tưởng để giúp con trẻ hiểu biết và sử dụng đúng giá trị đồng tiền. 

Về tác giả Neale S. Godfrey, không quá khó khăn để tìm kiếm đôi nét thông tin cũng như các video đời thực về bà trên Google hay YouTube, nhưng để tóm lược đôi điều nổi bật: bà là một chuyên gia nổi tiếng trong ngành tài chính - ngân hàng và là mẹ của hai nhóc tì cách nhau 3 tuổi. Chính vì vậy, cuốn sách là sự tổng hợp hài hòa, vừa phải giữa lý thuyết tài chính - ngân hàng và phương pháp giáo dục con cái dưới góc nhìn của một chuyên gia và cũng là người mẹ. Neale S. Godfrey cung cấp những khái niệm tài chính rất dễ hiểu, dễ đến mức một đứa trẻ 3 tuổi cũng có thể nắm bắt được. Và chính điều này đã bước đầu thực sự cuốn hút, gỡ rối cho các ông bố bà mẹ khi gặp phải những câu hỏi về tài chính của con trẻ, mà đôi khi với người lớn, cũng khó để hiểu và giải thích rõ ràng được. 

1. Đặt nền móng cho con từ 3 đến 12 tuổi: giúp con hiểu đúng giá trị của đồng tiền:

Nguồn: Pixabay

Phong cách tài chính của gia đình mình là gì? - thiên về tiết kiệm hay tiêu pha, hay cân bằng được cả hai). Làm sao quản lý tiền bạc? Lập và thực hiện ngân sách tài chính. Tiết kiệm trung và dài hạn, từ thiện, tiền cơ động. Để có một ngân sách khả thi, Godfrey bàn đến nguồn thu nhập của con trẻ - đó là tiền tiêu vặt. Đây là một khoản tiền nhỏ, cha mẹ dùng để trả công cho con cái, theo định kỳ, vì con đã hoàn thành các công việc trong gia đình được giao. Khi nào thì nên bắt đầu cho con tiền tiêu vặt, rồi công việc nào nên được trả thù lao công việc nào thì không, sẽ được Neale S. Godfrey lần lượt giải thích chi tiết ở chương 3 và 4 của cuốn sách.

Thông qua tiền tiêu vặt, cha mẹ không chỉ giúp con từng bước lên kế hoạch chi tiêu và cam kết thực hiện với ngân sách đề ra mà con giúp con hiểu đúng giá trị thực sự của đồng tiền - đó chính là lao động (làm thì trả công), giá trị của một công dân gia đình. Một ý tưởng rất hay của tác giả, đó là việc quy đổi giá trị tiền bạc của một sản phẩm mà con muốn mua sang giá trị tương đối (cụ thể: con cần làm việc trong bao nhiêu giờ như rửa chén, chăm em, làm vườn, các việc nhà khác, thì mới đủ tiền để mua sản phẩm đó). Đây là một cách ví von sinh động, dễ hiểu nhất giúp con có thể thấy và cảm nhận được giá trị lao động thông qua nỗ lực, vất vả của chính bản thân bỏ ra để sở hữu được sản phẩm đó. Từ đó, khi con có được trong tay, con sẽ thêm trân trọng, gìn giữ sản phẩm đó hơn.

2. Con cần biết gì về ngân hàng?

Ngân hàng là nơi an toàn để cất giữ tiền bạc và những vật có giá trị khác. Godfrey giúp con bước đầu làm quen với ngân hàng. Tác giả giải thích cho con của bà về những thắc mắc liên quan đến cách bày trí, cũng như làm việc tại ngân hàng, cách làm việc với ngân hàng để mở tài khoản tiết kiệm, dùng Séc và một số cách thức thanh toán khác.

3. Phương pháp giáo dục thích hợp là gì?
Trẻ có thể học bất cứ hoàn cảnh nào, tác giả gọi đây là cách dạy dỗ có điều kiện. Điều này khá thú vị, ở chỗ nó không những tiết kiệm thời gian cho những ông bố bà mẹ bận rộn như Neale S. Godfrey mà còn khiến các con của bà có thể phát huy được tư duy luôn đặt câu hỏi tại sao trước mọi quyết định và hành động liên quan đến tài chính của cha mẹ hoặc người khác. Với tác giả, siêu thị, nhà hàng, lúc đợi món hay chờ thanh toán tại quầy và ngay cả sau khi thanh toán xong, đều là những khoảnh khắc vàng để cha mẹ có thể giúp con trẻ có được kiến thức liên quan đến tài chính. Bằng việc lý giải cách siêu thị sắp xếp hàng hóa trên kệ bán hàng, hay việc giao cho con trẻ tìm và so sánh một sản phẩm được bán các hãng khác nhau trong siêu thị nhằm mua được sản phẩm cùng chất lượng với giá rẻ hơn cũng là cách hay giúp trẻ hiểu thế nào là tiêu dùng thông minh. Hay việc tính toán lại hóa đơn, xử lý như thế nào khi nhân viên thu ngân đưa thiếu tiền thừa, trẻ sẽ được học tất cả những điều đó nếu cha mẹ thực sự để ý và chớp lấy thời cơ. Đó cũng chính là điều mà Neale S. Godfrey muốn gửi gắm đến các cha mẹ trong chương này để giúp con trở thành người tiêu dùng thông minh.

4. Làm sao giúp con hiểu phí và thuế một hình thức thể hiện giá trị khác của đồng tiền?
Cắt nghĩa các khái niệm đó là việc mà cha mẹ cần phải làm để con trẻ hiểu được thế nào là tiền típ, tiền thuế, tiền phí cầu đường và tiền vé. Nếu như từ chương 6 trở về trước, trẻ sẽ hiểu được tiền thể hiện giá trị lao động, giá trị của một công dân gia đình thông qua làm việc nhà và tiền tiêu vặt; giá trị của bản thân - thông qua tiêu dùng thông minh, thì ở chương này, tiền còn thể hiện giá trị cộng đồng. Thông qua lao động chăm chỉ, mua sắm thông minh và đóng thuế, phí minh bạch con sẽ thể hiện tinh thần trách nhiệm của mình đối với đất nước và cộng đồng nơi con sinh sống.

5. Dạy gì khi con tuổi teen: Cha mẹ có con đang ở tuổi teen (từ 13 đến 15 tuổi) sẽ dạy con các bài học về đầu tư, thị trường chứng khoán, mối quan hệ giữa con và bạn bè (cụ thể là cách cho bạn mượn tiền).

6. Khi con trưởng thành cha mẹ nên chia sẻ tài chính của mình như thế nào: Những điều cha mẹ cần nói với con cái về tài chính của mình: di nguyện, bảo hiểm, quỹ tín thác, các tài sản cất giấu, khủng hoảng tài chính gia đình. 
Ngoài ra, sách còn dành hẳn 1 chương để bàn đến việc làm thế nào để thỏa thuận với con bạn về các vấn đề sinh hoạt khi chúng đã trưởng thành, đặc biệt khi chúng vẫn còn sống chung với cha mẹ: hợp đồng thuê nhà giữa cha mẹ và con cái. 




Bài viết được xem nhiều

Sách và kiến thức: Phương pháp E.A.S.Y là gì?

Phim và bài học: Ngôi nhà nhỏ trên thảo nguyên Những mùa Giáng sinh không thể quên

Cảm nhận sách: Totto-chan cô bé bên cửa sổ