Chuyển đến nội dung chính

Dạy con: những gì và như thế nào.

Cuốn sách "Cha voi" của Giáo sư Trương Nguyện Thành trả lời cho câu hỏi: Trong thời đại số, cha mẹ Việt Nam sẽ dạy gì và dạy con như thế nào? 

Học làm người trước tiên

Trước khi đọc sách, mình nghĩ là trong thời đại 4.0, tác giả sẽ khuyên dạy con về khoa học máy tính, trí tuệ nhân tạo gì đấy. Thế nhưng tác giả lại cho rằng nhân cách và tư duy mới là hai điều quan trọng mà cha mẹ nên rèn giũa cho con ngay từ nhỏ.

Con trẻ nên học cách cư xử và giao tiếp với mọi người. Nhân cách và tư duy của một đứa trẻ giống như chiếc cần câu mà kiến thức lại giống như con cá. Mà người xưa lại có câu: "Cho cần câu, đừng cho con cá". Không phải kiến thức hay chỉ số IQ cao mà là nhân cách, cách con tư duy giải quyết vấn đề mới là yếu tố quyết định sự thành công trong cuộc sống của con.

Trẻ ở độ tuổi đến 10 nên được giáo dục về nhân cách, lòng trung thực, ý chí, tư duy và những kỹ năng sống khác. Sau 10 tuổi, đứa trẻ có thể tự tin hòa nhập vào cuộc sống mà không một chút bỡ ngỡ, dễ dàng vượt qua  những cám dỗ và thói hư tật xấu. 

Cha mẹ không nên nhồi nhét, bắt ép con học kiến thức. Kiến thức là bao la làm sao cha mẹ có thể bao quát hết được mà chắc gì những điều cha mẹ biết là không lỗi thời. 

Thay vào đó, cha mẹ chỉ cần khéo léo khơi gợi trí tò mò, tạo niềm vui khi học tập và hướng dẫn trẻ tự khám phá tri thức của nhân loại. Trẻ chỉ thực sự sở hữu tri thức nếu như đó là những gì mà con nghỉ là tự mình tìm tòi ra. Điều này hoàn toàn trái ngược với cách giáo dục đọc chép, bơm mớm kiến thức có sẵn cho người học. Đây cũng là cách nuôi dưỡng tinh thần tự học ở con. Việc học đối với con là một thói quen suốt đời, ngay cả khi con không còn đến trường nữa.

Việc ép con học kiến thức sớm trước tuổi đi học là không cần thiết. Thực tế là trẻ học muộn vẫn có thể đạt kết quả học tập tốt như những đứa trẻ khác (học sớm, hoặc học bình thường). Điều quan trọng là cha mẹ phải bồi dưỡng được niềm ham mê đọc sách, tìm mình kiến thức, tư duy luôn đặt câu hỏi tại sao. Chỉ có như vậy, mới mong rằng đứa trẻ sẽ duy trì việc học đến trọn đời được.

Đánh trẻ, chê trách không phải là phương pháp giáo dục.

Cha mẹ, người lớn sẽ không đánh trẻ con vì bất kỳ lý do nào: giáo dục hay giải quyết vấn đề xung đột. Đánh đập người khác là vi phạm nhân quyền, rằng không ai có quyền xâm phạm đến cơ thể của người khác. Cha mẹ đánh con có thể bị xử phạt tiền, bỏ tù hoặc nặng hơn là tước đi quyền làm cha mẹ. Không phải vì cha mẹ là người sinh con ra nên cha mẹ đương nhiên có quyền đánh đập con của mình. Đứa trẻ là một cá thể bằng xương bằng thịt và độc lập. 

Lời nói chì chiết, mắng mỏ cũng gây ra những tai hại về tâm lý cho trẻ em không kém gì so với hành vi đánh đập cơ thể. Đó được gọi là bạo lực tinh thần. 

Người lớn vô tư nhận xét về những đứa trẻ: xấu và đẹp, mập và ốm, trắng và đen, giỏi và dốt mà không suy nghĩ đến cảm xúc của chúng. Điều đó sẽ đi theo đứa trẻ cho mãi về sau. Nó như là những lời nói tự kỷ ám thị khiến cho trẻ rụt rè, ngại thể hiện bản thân. Vô tình chúng được giáo dục một vài điều sai lệch như không tôn trọng sự khác biệt, rằng việc tùy tiện, dễ dãi đánh giá người khác là một việc làm hết sức bình thường. 

Và còn tai hại hơn, một thế hệ cha mẹ mới lại tiếp diễn những cách bạo hành (thể xác và tinh thần) như thế. Bởi không ai nói cho họ biết đánh đập và chì chiết như cách người lớn đã đối xử với họ lúc còn nhỏ là việc làm sai trái, không hiệu quả trong việc giáo dục trẻ thơ.

Cha mẹ là tấm gương

Giáo dục là làm gương. Từ lúc sinh ra cho đến 10 tuổi, thời điểm này, con học nhiều thứ ở cha mẹ, người lớn mà con được tiếp xúc. Cho nên muốn con lễ phép, trung thực, can đảm cha mẹ hãy là người như vậy. Muốn con đam mê sách vở, tìm tòi kiến thức, cha mẹ cũng nên làm như thế. Muốn con tư duy rõ ràng, mạch lạc cha mẹ cũng cần phải tư duy rõ ràng, mạch lạc. 

Vậy thì không nên so sánh con cái mình với con cái người khác. Thay vào đó cha mẹ nên so sánh bản thân với cha mẹ của đứa trẻ đó. Xem xem cách người ta giáo dục con có gì khác với mình để mà học hỏi, bởi vì "Con cái là tấm gương phản chiếu hình ảnh của cha mẹ". Con không tốt, không ngoan thì hãy trách mình trước khi đó mới có cách để sửa sai được. Còn đổ lỗi cho hoàn cảnh, người khác chỉ khiến tình hình tồi tệ thêm mà thôi.

Có một kiểu cha mẹ thích kể lể tật xấu của con cái mình trước mặt người khác. Để làm gì? 🤷 Chẳng ai muốn bị bêu rếu cả (kể cả cha mẹ). Đối với những đứa con điều này còn tệ hại hơn. Cảm giác như bị chính những người thân yêu phản bội. Vì chúng luôn mong chờ sự chở che, bảo vệ, cổ vũ từ cha mẹ mình. Bêu rếu con chỉ khiến cha mẹ và con cái thêm khoảng cách mà thôi.

Thay vì cha mẹ luôn miệng nói con cái phải tu dưỡng nhân cách, trau dồi tư duy, đam mê kiến thức thì bản thân người lớn thì cha mẹ cũng phải cho con thấy cha mẹ đang nỗ lực hoàn thiện bản thân mình mỗi ngày như thế nào. Chỉ có như vậy, mới có thể mong cầu rằng con cái sẽ thay đổi và tốt hơn. Đây cũng là cách "dạy mà như không dạy, không dạy mà như dạy" được tác giả Trương N. Thành nhắc đến trong cuốn sách "Cha Voi". 

Trò chuyện với con thật nhiều
Trò chuyện là sợi dây kết nối giữa cha mẹ và con cái. Khi hai bên có thể truyền tải và hiểu được suy nghĩ của nhau thì mối quan hệ cha mẹ con cái sẽ ngày một được gắn bó hơn. Mọi mâu thuẫn trong gia đình đều xuất phát từ việc các thành viên không thể nói chuyện với nhau. Luôn khuyến khích con cái trò chuyện, hỏi han con và lắng nghe con nói. Để làm được điều này, cha mẹ cũng cần học cách "Nói sao cho trẻ chịu nghe và nghe sao cho trẻ chịu nói." 

Có thể bạn quan tâm:
----
Gia đình Voi, nguồn: Pixabay.com



Bài viết được xem nhiều

Sách và kiến thức: Phương pháp E.A.S.Y là gì?

Phim và bài học: Ngôi nhà nhỏ trên thảo nguyên Những mùa Giáng sinh không thể quên

Cảm nhận sách: Totto-chan cô bé bên cửa sổ