Chuyển đến nội dung chính

Tóm tắt sách Chờ đến mẫu giáo thì đã muộn phần 3: Tư duy giáo dục khác biệt

1. Giáo dục bắt đầu từ 0-3 tuổi:
Một điều có thể dễ dàng nhận thấy đó là tư duy giáo dục từ 0 đến 3 tuổi của Ibuka Masaru đã hoàn toàn trái ngược với quan niệm truyền thống của nhiều thế hệ cha mẹ từ trước đến nay. Đó là chỉ nên bắt đầu dạy trẻ khi con đến tuổi sẵn sàng đi mẫu giáo 3 tuổi. 
Sẽ rất khó khăn để đồng ý và áp dụng lý thuyết giáo dục mới này, bởi phần lớn người lớn, từ trước đến nay, luôn tin tưởng rằng trẻ em từ 0 đến 3 tuổi còn quá nhỏ, chưa thể hiểu biết gì nên cũng quá sớm để bắt chúng phải học. Tốt nhất hãy cứ để chúng phát triển một cách tự nhiên, vui chơi và không nên bắt ép học tập nhồi nhét kiến thức. Tuy nhiên, Ibuka Masaru lại tin tưởng rằng trẻ hoàn toàn có thể và nên được giáo dục từ 0-3 tuổi. Bởi vì ông cho rằng chính câu "Vẫn còn sớm với nó" sẽ làm cản trở sự phát triển của trẻ. Ngoài ra, có 3 lý do để củng cổ quan điểm giáo dục sớm của ông như sau: 
  1. Mọi đứa trẻ sinh ra, ở điều kiện sức khỏe bình thường, đều có năng lực học tập như nhau; 
  2. Trẻ em 0-3 tuổi có khả năng học tập vô hạn, chúng có khả năng ghi nhớ nguyên mảng khác với người lớn, chúng có thể học bất kỳ cái gì nếu chúng được cho tiếp xúc từ sớm và có hứng thú; 
  3. Mục đích của việc giáo dục tuổi ấu thơ không phải tạo ra thiên tài, nên việc học ở đây không có nghĩa là học kiến thức nhồi nhét chữ nghĩa như ở trường lớp.
2. Môi trường sống lý tưởng:
Trong chương 2 của cuốn sách, tác giả đã miêu tả rất chi tiết về môi trường giáo dục trẻ. Có thể điểm qua một số quan điểm tiêu biểu được phân chia theo các loại môi trường trẻ được tiếp xúc, như sau:

Môi trường giáo dục chính là ngôi nhà và gia đình nơi trẻ sống với cha mẹ, anh chị em của mình, ví dụ như: 
  • Vai trò của người cha: Ông cho rằng, nếu người cha thờ ơ trong việc giáo dục con trẻ thì tính cách của con sẽ trở nên méo mó. Chính vì vậy, thay vì dành hết trách nhiệm giáo dục con cái về phần mình, người mẹ nên khéo léo, tạo không gian cho hai cha con tương tác, trò chuyện với nhau nhiều hơn. Người cha sẽ cùng người mẹ tạo một môi trường hoàn hảo nhất cho con phát triển tốt: Một gia đình hạnh phúc, đầm ấm.
  • Tạo một môi trường sống phong phú cho trẻ. Điều này có nghĩa là một căn phòng quá yên tĩnh, gọn gàng đôi khi lại không giúp ích được gì mấy cho trẻ phát triển tốt.
  • Một số quan niệm khác như: mẹ nên ôm, bế trẻ nhiều hơn, nên ngủ chung với trẻ đó là cách giao tiếp tốt nhất với trẻ, trong khi hiện nay, các bà mẹ thường bận bịu với công việc và không có nhiều thời gian ở bên con của mình. Gia đình đông anh chị em sẽ rất tốt cho con. Những đứa trẻ thứ 2, thứ 3 bao giờ cũng nhanh nhẹn, biết nói sớm hơn đứa con đầu tiên, vì chúng có anh chị để tương tác từ sớm. 
Môi trường giáo dục khác như nhà của ông bà, người thân khác mà trẻ tiếp xúc, môi trường xung quanh nhà:
  • "Gần mực thì đen gần đèn thì rạng": Trẻ từ 0-3 tuổi khả năng học tập và bắt chước là vô hạn, nên nếu cha mẹ không để ý, cân nhắc cẩn thận trước khi giao trẻ cho một môi trường khác (như nhà của ông bà, người thân, môi trường xung quanh) thì rất có thể trẻ sẽ sớm hình thành những thói quen sinh hoạt không phù hợp được ví như "đường mòn" mà theo tác giả, khi lớn lên, trẻ sẽ rất khó sửa chữa (ví dụ: trẻ học nói theo giọng địa phương). Tuy nhiên, tác giả cũng cho rằng mối quan hệ giữa ông bà và trẻ sẽ là chất xúc tác tuyệt vời để trẻ hình thành tính cách từ nhỏ - nếu ông bà là những người có phẩm chất, đức tính tốt. 
  • Môi trường sống xung quanh nơi nhà ở của trẻ có thể tác động mạnh mẽ đến sở thích, tính cách và định hướng nghề nghiệp của trẻ sau này. Ibuka Masaru kể về câu chuyện của ông Honda Soichiro - nhà sáng lập hãng xe hơi Honda nổi tiếng của Nhật Bản. Ông Honda Soichiro cho rằng niềm yêu thích xe mô tô được hình thành là vì hồi bé nhà ông ở ngay gần một xưởng sát gạo. Ông thực sự yêu thích tiếng kêu phành phạc của cái máy xay xát. Đến mức ông bắt ông nội của mình phải cõng đi xem cho bằng được. Điều này cũng khiến cha mẹ nên cân nhắc lựa chọn nơi ở lâu dài cố định cho gia đình mình như mẹ của Mạnh Tử - triết gia, ông tổ thứ hai của Nho giáo Trung Quốc -  đã 3 lần chuyển nhà chỉ vì mong ông có được tính cách tốt và yêu thích việc học hơn là ở gần bãi tha ma và chợ đò.
3. 2 tuổi - con đã trưởng thành:
Mẹ nên nghiêm khắc với con đến khi trẻ 2 tuổi. Sau 2 tuổi, mẹ nên tôn trọng ý kiến và cảm xúc của con bằng cách cư xử dịu hiền. Tư duy này hoàn toàn trái ngược với cách đối xử với con cái từ trước đến nay mà mình biết. Vì thông thường người lớn luôn nghĩ rằng trẻ dưới 2 tuổi còn quá nhỏ để được cư xử một cách nghiêm khắc, nên cha mẹ thường thỏa hiệp và chiều theo ý thích bản năng của con. Nếu không làm như vậy, con sẽ khóc, la hét và quấy rầy. Tuy nhiên, theo tác giả, có hai cơ sở quan trọng để lý giải cho quan điểm này: 
  1. Trước 2 tuổi, cha mẹ dễ dàng thiết lập kỷ luật. Bởi ở độ tuổi này, trẻ ngoan ngoãn nghe theo lời của cha mẹ. Việc hình thành nếp kỷ luật của trẻ sẽ thông qua việc trẻ sẽ lặp đi lặp lại các hoạt động và ý niệm đó của cha mẹ. Lâu dần trẻ sẽ tạo cho mình những thói quen ứng xử có kỷ luật; 
  2. Sau 2 tuổi, trẻ bắt đầu có ý thích và cảm xúc riêng. Cha mẹ thay vì áp đặt suy nghĩ của mình lên con trẻ, thì nay nên tôn trọng con. Bởi lúc này, việc tỏ ra nghiêm khắc, bắt con phải làm theo ý của cha mẹ sẽ trở nên vô ích. Nó chỉ làm trẻ thêm kháng cự và khó bảo hơn. Hơn nữa, do trước đây, mẹ đã lỡ cư xử một cách nhẹ nhàng với con rồi, nay mẹ đột nhiên đổi hướng sang cư xử nghiêm khắc sẽ càng làm cho con bị "sốc" và khó hợp tác với cha mẹ hơn. Nên tốt nhất, mẹ hãy nên nghiêm khắc và thiết lập khuôn khổ kỷ luật với con ngay từ đầu. Sau đó, mẹ hãy dần dần cư xử mềm mỏng, dịu hiền khiến con có được cảm giác được tôn trọng như một người lớn.  
4. Hứng thú học tập:
Việc suy nghĩ làm thế nào tạo hứng thú và say mê cho con trẻ là quan trọng hơn nhiều so với việc chúng ta sẽ dạy gì cho chúng. Trẻ sẽ nhớ rất tốt những gì chúng có hứng thú. Điều này càng củng cố vững vàng cho quan điểm trẻ có thể học bất kỳ cái gì và khả năng học tập của trẻ là vô hạn nếu người lớn có một phương pháp giáo dục thích hợp và đủ cuốn hút trẻ. 
Nếu liên hệ với bản thân người lớn, thì điều này cũng hoàn toàn đúng. Nhớ lại quá trình đi học của mình, người lớn sẽ thấy chúng ta cũng chỉ học tốt một số môn hoặc toán hoặc văn hoặc thể dục. Và thường dấu ấn cuối cùng của ta về các môn học tốt là người dạy hài hước, có cách giảng bài lôi cuốn, buổi học vui vẻ, kiến thức dễ hiểu, và các bài thi đều được điểm khá. Ngược lại, những môn ta không học giỏi và không thích học thường là vì toàn bị điểm kém, ta không được khích lệ trong quá trình học, hoặc cách giảng dạy nhàm chán không thích thú, vui vẻ. Thì đối với con trẻ cũng vậy, khi con đã có hứng thú và say mê thì con sẽ học được bất cứ điều gì. 

5. Tránh giáo dục máy móc:
Có thể ban đầu, cha mẹ sẽ bối rối không biết phải giáo dục con như thế nào. Cha mẹ sẽ tìm đến những lời khuyên, phương pháp đã được các cha mẹ khác thực hiện, có thể thành công và áp dụng máy móc cho con của mình. 
Khuôn mẫu ở đây còn có thể hiểu rằng là người lớn chúng ta, từ trước đến nay, quen với suy nghĩ ở tuổi này mới được dạy trẻ cái này cái kia. Tuy nhiên, theo Ibuka Masaru việc giáo dục tuổi ấu thơ nên lấy trẻ làm trung tâm. Điều này có nghĩa là cha mẹ có thể tham khảo phương pháp giáo dục trong sách vở, từ người quen biết, nhưng nên dựa vào khả năng của mỗi con trẻ để áp dụng một cách linh hoạt, phù hợp. 
Ngoài ra, người mẹ hoàn toàn có quyền năng trong việc lựa chọn giáo dục con bất kỳ điều gì mà mẹ tin tưởng là tốt cho con. Chính vì vậy, việc đọc và áp dụng cuốn sách này cũng nên được tiếp cận theo nguyên tắc này: Không nên cứng nhắc, máy móc và rập khuôn.

Nguồn: internet




Bài viết được xem nhiều

Sách và kiến thức: Phương pháp E.A.S.Y là gì?

Phim và bài học: Ngôi nhà nhỏ trên thảo nguyên Những mùa Giáng sinh không thể quên

Cảm nhận sách: Totto-chan cô bé bên cửa sổ