Chuyển đến nội dung chính

Kỹ năng sống: Làm sao chữa lành những tổn thương tâm lý?

Bài viết này viết về điều gì? 

Hôm vừa rồi, mình có "duyên" được lắng nghe buổi nói chuyện giữa người dẫn chương trình Quốc Khánh và thầy Minh Niệm về chủ đề "Làm sao chữa lành những tổn thương tâm lý?". Cụ thể bàn về cách giúp những người bị trầm cảm, tổn thương tâm lý sống vui vẻ và hạnh phúc trở lại.

Những chia sẻ của thầy Minh Niệm giúp mình vừa củng cố vừa mở mang thêm kiến thức về chủ đề chăm sóc đời sống tinh thần. Bài viết này xin tóm tắt lại những điều mình nhận ra sau khi xem video, không nằm ngoài mục đích phục vụ cho chính sự hiểu biết của chính mình và chia sẻ đến những ai đang cần. 

Nếu có thời gian, bạn có thể xem hoặc nghe bài nói chuyện trên kênh The Quoc Khanh Show tại Podcast Google(1) hoặc YouTube(2) để có thêm những cảm nhận riêng và đầy đủ của chính mình. Nếu làm được như vậy thì bài học sẽ đọng lại trong bạn một cách sâu sắc và bền lâu hơn. 

1. Lối sống là nguyên nhân chính dẫn đến tổn thương tâm lý: 

pixabay.com

Nguyên nhân tổn thương tâm lý: Có nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến việc một người bị tổn thương tâm lý như những trải nghiệm đau buồn trong quá khứ (bạo hành, lạm dụng tình dục, mất mát) hay cấu tạo cơ thể.

Nhưng phần lớn vẫn do lối sống không cân bằng (thường xuyên thức khuya, nghiện các loại chất kích thích, nghiện thiết bị điện tử, làm việc quá sức, ăn uống không điều độ) và đặc biệt là có một đời sống tinh thần nghèo nàn  (luôn bi quan, suy nghĩ tiêu cực). 

Chính vì vậy, để chữa lành tổn thương và phòng ngừa tổn thương tâm lý không còn cách nào khác là xem xét lại, điều chỉnh hoặc thay đổi lối sống của mình ngay từ bây giờ.

2. Tin khả năng tự chữa lành tổn thương là có sẵn trong mỗi người: 

Pixabay.com

Tại sao? Tin vào khả năng tự chữa lành của bản thân là điều đầu tiên mà mỗi người cần phải có để có thể bước vào hành trình chữa lành những tổn thương tâm lý. Cũng giống như con hổ, khi bị thương, nó quay trở về hang của mình, ngày ngày liếm vết thương cho đến khi lành thì thôi. 

Điều này có nghĩa gì? Sự giúp đỡ bên ngoài (bác sỹ, thuốc hay người thân) đối với người bị tổn thương chỉ là hỗ trợ mà thôi. Người đang bị tổn thương phải nương tựa vào chính mình. Họ nên tin rằng mình mới chính là người có thể giúp bản thân thoát khỏi những tổn thương tâm lý. Chỉ có họ mới biết được cái gì đang xảy ra trong họ mà thôi.

3. Vai trò của người ngoài chỉ là hỗ trợ:

Pixabay.com

Thầy thuốc: Người thầy thuốc có tâm là một người khơi gợi khả năng tự chiến đấu, miễn dịch của bệnh nhân, chứ không phải khiến bệnh nhân lệ thuộc vào khả năng chữa trị của mình hay loại thuốc mà bệnh nhân đang dùng. 

Bạn bè, người thân: Người bị tổn thương tâm lý có xu hướng muốn được chia sẻ nhưng nếu bạn bè và người thân không biết cách giúp đỡ đúng đắn, nuông chiều cảm xúc của họ bằng việc ngồi nghe nhưng tâm sự qua ngày này hết tháng nọ thì đó không phải là một cách chữa trị hiệu quả. Lâu dần, họ sẽ phụ thuộc vào người khác. 

Bạn tâm tình đúng nghĩa là một người có thể giúp mình tự nhận ra vấn đề mình đang gặp phải, giải quyết vấn đề đó như thế nào chứ không phải là người để mình trút hết bầu tâm sự hết lần này đến lần khác. 

4. Bốn bước chữa lành tổn thương tâm lý:

Pixabay.com

1. Biết được mình đang tổn thương

2. Chấp nhận mình đang bị tổn thương

3. Mong muốn và yêu cầu người khác giúp đỡ mình.

4. Quay trở vào bên trong chính mình mời gọi hạt giống tích cực. Thiền là một trong những cách giúp người bị tổn thương tâm lý kết nối với hiện tại, kết nối với chính mình.

5. Thuốc ở trong bạn:

pixabay.com

Thế nào là quay vào bên trong? có nghĩa là, thay vì để tâm trí rong ruổi với những suy nghĩ về cuộc sống, con người, sự việc bên ngoài, người bị tổn thương hãy ngưng những suy nghĩ đó lại, quay trở lại bên trong chính họ để: lắng nghe hơi thở đều đặn và sâu, để hiểu những gì đang diễn ra trong con người mình. 

Một trong những cách thức để làm được điều này là hành thiền. Việc đầu tiên của thiền đó là không suy nghĩ, tập trung vào hơi thở. Chính điều này là bước đầu mang đến sự tĩnh lặng trong tâm hồn, từ đó người bị tổn thương có thể dễ dàng lắng nghe được những chuyển biến bên trong cơ thể của chính mình.

Hỏi chính mình, cái gì đang xảy ra trong bạn vậy? Đơn giản là gọi được tên của những cảm xúc đang diễn ra trong chính họ: buồn, vui, giận hờn, lo lắng về bệnh tật, sợ hãi về cái chết. Ở bước này, người ngoài có thể hỗ trợ người bị tổn thương bước đầu giúp họ hiểu được điều gì đang xảy ra trong họ.

6. Lối sống tỉnh thức (Mindfulness)

Pixabay.com

Lối sống tỉnh thức là gì? Người sống luôn đi vào bên trong, chăm sóc đời sống tinh thần, trò chuyện với bản thân, biết được cảm xúc, tâm tư của chính mình để hiểu được chính mình. 

Lối sống tỉnh thức hoàn toàn khác gì với lối sống hướng ra bên ngoài. Con người dường như biết quá nhiều về cuộc sống bên ngoài, các mối quan hệ, kiến thức xã hội, khoa học mà quên mất rằng chính bản thân mình cũng là một đối tượng để tìm hiểu. Chính vì quá xô bồ với cuộc sống bên ngoài, mà đôi khi con người bỏ quên cảm xúc, tâm tư của chính mình sang một bên. Lối sống tỉnh thức, đi sâu vào đời sống bên trong chính là cách giúp cân bằng cuộc sống của mỗi người.

7. Sống ở lối sống nào là quyền lựa chọn ở mỗi người: 

Pixabay,com

Thông thường, phải khi nào trải qua một biến cố nào đó, thất bại hay mất mát thì con người mới có cơ hội dừng mọi hoạt động của cuộc sống bên ngoài lại và đi sâu vào trong chính mình để tìm hiểu, ôm ấp và lắng nghe chính cảm xúc của mình. 

Còn có một bộ phận khác, họ không quá chạy theo cuộc sống ở bên ngoài, luôn dành thời gian để thức tỉnh bản thân, lắng nghe cơ thể mình, trò chuyện với chính mình và tìm kiếm những bình an, giá trị bên trong mình. 

Lối sống tỉnh thức giúp con người giác ngộ, mà theo đó, giác ngộ chính là hiểu bản thân mình, hiểu mình là ai, là người như thế nào. Càng ngộ con người sẽ càng được tự do và hạnh phúc, từ dó, con người sẽ dễ dàng chia sẻ hạnh phúc đến với những người xung quanh mình. 

Còn bạn, bạn nghĩ sao khi xem video, nghe podcast và đọc xong bài viết này của mình. Hãy cho mình biết bằng cách viết lời nhận xét dưới bài đăng này nhé. Cám ơn bạn, chúc bạn an vui!

(Lần chỉnh sửa cuối: 19/4/23)

Tham khảo thêm:

(1) https://podcasts.google.com/feed/aHR0cHM6Ly9mZWVkLnBvZGJlYW4uY29tL3RoZXF1b2NraGFuaHNob3cvZmVlZC54bWw/episode/dGhlcXVvY2toYW5oc2hvdy5wb2RiZWFuLmNvbS9kOTRjNWRlMS05NzYwLTMzZGUtYmIwZC1mYjY2NmYwNmM3OGU?sa=X&ved=0CAUQkfYCahgKEwi40-qEoej0AhUAAAAAHQAAAAAQzQE

(2) https://youtu.be/xTyLiqWL3uk

Bài viết được xem nhiều

Sách và kiến thức: Phương pháp E.A.S.Y là gì?

Phim và bài học: Ngôi nhà nhỏ trên thảo nguyên Những mùa Giáng sinh không thể quên

Cảm nhận sách: Totto-chan cô bé bên cửa sổ