Chuyển đến nội dung chính

Tóm tắt sách: Nói sao cho trẻ chịu nghe, nghe sao cho trẻ chịu nói

Nguồn gốc:

Hình bìa của cuốn sách "Nói sao cho trẻ chịu nghe, nghe sao cho trẻ chịu nói". (Nguồn: Goodreads)

Trong danh sách những cuốn sách làm cha mẹ, "Nói sao cho trẻ chịu nghe, nghe sao cho trẻ chịu nói"(1) không phải là một cuốn sách mới toanh. 

Thực tế, nó được xuất bản lần đầu vào năm 1982. Tác giả của cuốn sách này là Adele Faber và Elaine Mazlish là chuyên gia người Mỹ về giao tiếp giữa người lớn và trẻ em. 

Tên tiếng Anh của cuốn sách này là: "How to Talk So Kids Will Listen & Listen So Kids Will Talk."(2)

Nội dung chính của cuốn sách "Nói sao cho trẻ chịu nghe, nghe sao cho trẻ chịu nói":

Hình bìa cuốn sách phiên bản tiếng Anh. (Nguồn: Goodreads)

Cuốn sách gợi ý cho các ông bố bà mẹ cách trò chuyện với con cái của mình sao cho đứa trẻ cảm nhận được sự tôn trọng, quan tâm, đồng cảm và tình yêu thương mà cha mẹ dành cho chúng. Từ đó, đứa trẻ sẽ mở lòng trò chuyện với cha mẹ của mình nhiều hơn.

Cụ thể là cuốn sách được chia làm 7 phần chính. 6 phần đầu tiên, tác giả lần lượt bàn về 6 kỹ năng trong việc giáo dục con trẻ:

  1. Giúp con trẻ xử lý cảm xúc của mình
  2. Khuyến khích tinh thần hợp tác từ con trẻ - cách giúp cha mẹ xử lý những cảm xúc tiêu cực của mình.
  3. Thay thế trừng phạt
  4. Khuyến khích tính tự lập
  5. Khen ngợi con đúng cách
  6. Giải thoát con trẻ khỏi việc bị gán mác.

Phần 7 bàn về việc phối hợp 6 kỹ năng trên.

Cuốn sách này dành cho ai?

Bất kỳ ai quan tâm đến tâm lý của trẻ em.

Đặc biệt, cuốn sách này dành riêng cho các bậc làm cha làm mẹ đang có con, đang gặp phải một số khó khăn trong việc giao tiếp, quan tâm con cái, và mong muốn có được những buổi trò chuyện chất lượng với con cái của mình. 

Mặc dù dưới đây sẽ là những gạch đầu dòng về nội dung quan trọng nhất của cuốn sách nhưng nếu có điều kiện đọc chậm rãi từng chương sách, suy ngẫm và làm các bài tập thực hành trong cuốn sách sẽ giúp cha mẹ lĩnh hội và thực hành kiến thức được thuần thục và hiệu quả hơn. 

Một lý do khác nữa là, ở mỗi phần kỹ năng tác giả chia sẻ thêm những phản hồi về việc áp dụng các kỹ năng này của các ông bố bà mẹ tham gia vào các buổi thảo luận hàng đêm. Việc đọc các ghi chép này là có ích. Đây là những câu chuyện thực tế, có cả những áp dụng thành công và thất bại. Quan trọng hơn là nó giúp chúng ta biết được liệu kỹ năng giao tiếp ấy có khả thi với con của mình hay không? Liệu chúng ta có cần điều chỉnh kỹ năng ấy hay không?

Bài viết này dành cho ai?

Dành cho những bạn đang tìm đọc cuốn sách này và cả những bạn đã đọc cuốn sách. 

Phần nội dung chi tiết dưới đây giúp các bạn có cái nhìn tổng quát hoặc ôn tập lại 6 kỹ năng giao tiếp với con cái.

Nội dung chi tiết "Nói sao cho trẻ chịu nghe, nghe sao cho trẻ chịu nói":

Kỹ năng 1: Làm thế nào bố mẹ có thể giúp con trẻ xử lý cảm xúc của mình?

Cách lắng nghe con. (Hình minh họa từ sách)

1. Lắng nghe con trẻ một cách toàn tâm toàn ý (thay vì chất vấn, phán xét, khuyên răn con): cha mẹ dừng lại mọi hoạt động đang làm, chỉ làm một việc duy nhất là chăm chú nghe con trẻ nói chuyện. Trong lúc nghe, bố mẹ không chất vấn, không khuyên răn con trẻ. 

2. Công nhận cảm xúc của con (thay vì từ chối cảm xúc của con): Nếu được chỉ cần nói vài từ 'Ừ', "à", "ra vậy", mục đích cho con biết là bạn vẫn đang nghe con nói đây.

3. Đặt tên cho cảm xúc của con (nhằm giúp con mô tả được điều gì đang xảy xa trong mình): ví dụ, hóa ra con đang tức giận bạn A.

4. Nêu ra những ước muốn không thể thực hiện được của con (thay vì giảng giải lý lẽ): ví dụ, ước gì mẹ có thể hóa phép cho con một chiếc xe rác đồ chơi to bự ngay tức khắc.

Kỹ năng 2: Làm thế nào cha mẹ có thể khuyến khích tinh thần hợp tác từ con trẻ?

Cung cấp thông tin giúp con biết mình cần phải làm gì. (Hình minh họa từ sách)

1. Mô tả những gì bạn thấy, mô tả vấn đề mà bạn và con đang gặp phải. (Ví dụ, cho con biết là sữa đang đổ tràn trên bàn)

2. Cung cấp thông tin cho con biết con phải làm gì. (Khăn lau bàn ở bên cạnh đó con.)

3. Nói câu ngắn gọn (thay vì giảng giải dài dòng). (Con lấy khăn lau khô bàn nhé!)

4. Nói về những cảm xúc của bạn (vì con cũng có nhu cầu muốn biết cảm xúc thật sự của bạn là gì) (Mẹ rất tức giận khi con đổ sữa ra bàn.)

5. Viết mẫu thư nhắn (nếu bạn đã nhắc con nhiều lần và con vẫn không thực hiện theo yêu cầu của bạn.)

Kỹ năng 3: Những giải pháp nào có thể thay thế trừng phạt con trẻ?

Cách bày tỏ sự không đồng ý của bạn về việc trẻ làm (hình minh họa từ sách)

1. Chỉ ra một giải pháp hữu ích (để giải quyết triệt để vấn đề đang gặp phải)

2. Dứt khoát bày tỏ sự không đồng ý (mà không tấn công vào tính cách của trẻ)

3. Nêu rõ niềm mong đợi của bạn dành cho con.

4. Chỉ cho trẻ cách khắc phục hậu quả mà con gây ra.

5. Đề xuất sự lựa chọn (nếu trẻ tiếp tục tái phạm, ví dụ dọn dẹp đồ chơi gọn gàng sau khi chơi hoặc không được chơi đồ chơi nữa)

6. Hành động loại trừ hoặc ngăn chặn (cất đồ chơi đi không cho con chơi nữa)

7. Để trẻ nếm hậu quả do hành vi cư xử kém của nó (ví dụ, nhất quyết không cho con đi siêu thị cùng cho dù con năn nỉ, hứa sẽ không nghịch đồ ở siêu thị nữa.)

Làm sao giải quyết những vấn đề, những xung đột dai dẳng giữa cha mẹ và con cái?

Cùng chọn ra phương án thích hợp nhất và lập kế hoạch thực hiện (Hình minh họa từ sách)

1. Nói về cảm xúc và nhu cầu của trẻ.

2. Nói về cảm xúc và nhu cầu của bạn.

3. Cùng nhau suy nghĩ tìm ra một giải pháp mà cả hai cùng đồng ý.

4. Viết ra mọi ý kiến mà không đánh giá gì hết.

5. Cùng nhau quyết định xem bạn và con (không) thích ý kiến nào. Lập kế hoạch thực hiện cho đề xuất đó,

Kỹ năng 4: Làm thế nào khuyến khích con tự lập, tự chủ?

Công nhận sự nỗ lực tự chủ của con thay vì chê bai sự cố gắng ấy. (Hình minh họa từ sách)

1. Để con tự chọn lựa. (Không chỉ dừng ở việc bố mẹ đưa ra hai sự lựa chọn và để con chọn lấy một mà còn là việc hỏi con chọn theo điều con muốn, con nghĩ)

2. Thể hiện lòng tôn trọng sự đấu tranh chật vật của con (ví dụ, nếu thấy con buộc dây giày lâu quá, bạn có thể nói, để buộc dây giày phải cần đến những ngón tay khéo léo)

3. Đừng hỏi con dồn dập quá. (Thay vì hỏi con dồn dập, bố mẹ cứ để con kể những điều mà con muốn kể)

4. Đừng vội trả lời ngay những câu hỏi của con. (có thể khen câu hỏi của con hoặc hỏi ngược lại con hoặc nếu không trả lời được có thể gợi ý con đi hỏi một người hiểu biết về lĩnh vực đó. Đôi khi, trẻ hỏi không phải vì trẻ chưa biết câu trả lời mà là chỉ muốn người lớn lắng nghe câu trả lời con đã nghĩ ở trong đầu.)

5. Khuyến khích con sử dụng những nguồn bên ngoài gia đình (ví dụ, hỏi thêm ý kiến của thầy cô, bác sỹ, chuyên gia)

6. Đừng dập tắt hy vọng của con. (Thay vì nói rằng con đang ảo tưởng, ba mẹ có thể hỏi thêm về dự định đó của con xem con suy nghĩ như thế nào).

Kỹ năng 5: Ba mẹ nên khen ngợi con như thế nào để con có thể tự khen mình và tăng cường lòng tự trọng của bản thân?

Lời khen mô tả giúp con tự khen chính mình bồi đắp lòng tự trọng ở con. (Hình minh họa từ sách)

1. Lời khen mô tả: là lời khen miêu tả những gì bạn thấy con làm hoặc những gì bạn cảm nhận được từ việc con làm.

2. Đúc kết lời khen thành một từ (ví dụ, con đã trả lại tiền cho người đánh mất, mẹ gọi đó là trung thực.)

Kỹ năng 6: Làm sao giải phóng con khỏi việc bị gán mác (từ người lớn)?

Vô tình để con nghe thấy bạn nói tốt về con. (hình minh họa từ sách)

1. Tìm cơ hội chỉ cho con một bức tranh mới về bản thân con.

2. Đặt trẻ vào những tình huống mà con có thể nhìn thấy mình khác đi.

3. Cố tình cho con vô tình nghe thấy bạn nói gì đó tích cực về con.

4. Lập khuôn mẫu những hành vi mà bạn muốn thấy ở con. 

5. Bạn chính là kho chứa những khoảnh khắc đặc biệt của con. (Kể lại cho con nghe những trải nghiệm trong quá khứ của con để khích lệ tinh thần giúp con vượt qua nỗi tự ti hiện tại.)

6. Khi con hành xử theo nhãn mác cũ, bày tỏ cho con biết những cảm xúc và niềm mong mỏi của bạn.

Tham khảo thêm:

(1) https://www.goodreads.com/cs/book/show/35710221-n-i-sao-cho-tr-ch-u-nghe-v-nghe-sao-cho-tr-ch-u-n-i

(2) https://www.goodreads.com/book/show/769016.How_to_Talk_So_Kids_Will_Listen_Listen_So_Kids_Will_Talk?from_search=true&from_srp=true&qid=s1CbmZnXNT&rank=1

Bài viết được xem nhiều

Sách và kiến thức: Phương pháp E.A.S.Y là gì?

Phim và bài học: Ngôi nhà nhỏ trên thảo nguyên Những mùa Giáng sinh không thể quên

Cảm nhận sách: Totto-chan cô bé bên cửa sổ