Chuyển đến nội dung chính

Những bài học về tiền bạc

Trước đây mình rất ngại nói đến chuyện tiền bạc. Thường thì người ta hay tránh nói đến những thứ mà họ thiếu hoặc không có vì mỗi lần nhắc đến sẽ khiến họ cảm thấy kém cỏi so với người khác (những người có nhiều tiền).

Thế nhưng giờ đây, dù vẫn chưa có nhiều tiền, mình rất thích đọc và nghe những chia sẻ về tiền bạc: kiếm tiền, sử dụng tiền, tiết kiệm tiền và đầu tư tiền để sinh ra tiền.

Tiền bạc có gì xấu xa mà ta phải che giấu và tránh nói đến nó vậy? Một khi hiểu được bản chất của đồng tiền: tiền chính là thước đo giá trị sức lao động, thể hiện trách nhiệm và nghĩa vụ của mỗi người đối với công tác an sinh xã hội, với cộng đồng nơi mình sinh sống (thông qua đóng thuế, phí cầu đường, trả lương cho người vệ sinh đường phố) thì ta sẽ không còn thấy tiền bạc là xấu xa nữa. 

Vậy suốt những năm qua, tính từ lúc rời xa gia đình đi học đại học, cái ngày đầu tiên mình tự tay chi tiêu từng đồng tiền ba mẹ gửi lên ăn học cho đến bây giờ, mình đã học được những bài học gì về tiền? 

Cùng mình khám phá trong bài viết này nhé.

1. Làm việc để kiếm ra tiền:
(Hình: Pexels)

Tiền là thước đo sức lao động. Phải làm việc để kiếm tiền. Một công việc hợp pháp, chân chính sẽ giúp mình kiếm được những đồng tiền chân chính.

Điều này giúp mình loại trừ và tránh xa những hình thức kiếm tiền không chân chính, bất hợp pháp. Nó cũng giúp mình luôn nghi ngờ những quảng cáo tuyển dụng "việc nhẹ, lương cao" đánh vào lòng tham và sự lười biếng của một bộ phận người đi làm. 

Làm việc chăm chỉ, tạo ra giá trị độc đáo và từ đó người khác sẽ trả tiền cho công sức mà mình đã bỏ ra.

2. Chi tiêu tiền đúng cách khiến tiền là công cụ không phải là ông chủ:
(Hình: Pexels)

Có rất nhiều nguyên tắc trong chi tiêu giúp mình không những không rơi vào tình cảnh thiếu thốn mà còn để dành ra một khoản nữa.

Tiêu ít hơn số tiền kiếm được. Cần có một thứ tự ưu tiên chi tiêu. Ưu tiên số 1 là các khoản duy trì cuộc sống hiện tại (hoá đơn, ăn uống). Những khoản "muốn" chi (mua sắm, quà cáp) sẽ được chi khi đã thanh toán các khoản ưu tiên và chỉ chi khi có đủ tiền (tiết kiệm). 

Nói không với "mua trước trả sau" (trừ khi sản phẩm đó là "tài sản" chứ không phải là "tiêu sản"). Tức là ta có thể mua trả góp một chiếc xe máy để đi làm thuận tiện và kiếm tiền dễ dàng hơn thay vì mua áo quần, điện thoại, đồ hiệu để thể hiện bản thân sành điệu và đua đòi với bạn bè, đồng nghiệp. 

Ghi chép và theo dõi chi tiêu hàng tháng. Thói quen này giúp ta biết rõ tình hình tài chính của bản thân (khoản nào tiêu nhiều, tiêu ít, có thể cắt giảm khoản nào) từ đó tiết kiệm được một khoản tiền kha khá từ việc không mua sắm những món đồ không cần thiết. Đặc biệt nếu ai quan tâm tìm hiểu phương pháp Kakeibo thì sẽ học hỏi thêm rất nhiều về cách ghi chép chi tiêu, cũng như cách tiêu tiền của người Nhật Bản. (1)

Việc tiêu tiền ít nhất có thể và giữ lại tiền trong túi nhiều nhất có thể là điều tuyệt vời nhất cần hướng đến khi tiêu tiền, bởi vì "Save money to work less not buy more". Nếu làm được như vậy ta đã đạt đến sự tự do trong sử dụng tiền bạc. Ta làm việc kiếm tiền để tiền phục vụ cuộc sống của ta thêm dễ dàng và thuận lợi hơn chứ không phải để trả nợ cho những khoản mua sắm bằng tín dụng, những khoản chi tiêu không cần thiết.

3. Vấn đề không phải là không có tiền mà là có cần thiết để mua hay không?

(Hình: Pexels)

Có muôn vàn lý do để xuống tiền cho một món đồ. Thế nhưng lại có một lý do vô cùng quen thuộc (từ các bà mẹ) để không mua đó là: "chúng ta không có/đủ tiền đâu con". 

Nếu dùng lý do này để từ chối mua sắm với con nhỏ thì không phải là một cách giáo dục tốt. Nếu con biết rằng bạn có tiền thì đó chẳng phải là một lời nói dối sao? Mà chúng ta lại luôn dạy trẻ không nên nói dối! Chưa kể với tâm lý luôn nghĩ là không có tiền trẻ sẽ mặc cảm, tự ti so với bạn bè vì tin rằng gia đình mình nghèo hơn gia đình của các bạn.

Thay vào đó cha mẹ nên giúp trẻ hiểu lý do tại sao không mua món đồ đó dựa trên việc bạn/trẻ có cần dùng đến món đồ đó hay không. Mình thích cách giáo dục này hơn. Đây là một thói quen tiêu dùng rất tốt giúp trẻ tiêu tiền thông thái sau này khi không còn cha mẹ ở bên giám sát. 

Và nếu như câu trả lời là chúng ta cần mua nhưng sự thật chúng ta không có đủ tiền để mua thì sao? Trong bộ phim "Ngôi nhà nhỏ trên thảo nguyên" bố mẹ Ingalls luôn lên danh sách những thứ cần phải mua. Và thường số tiền để mua những món đồ đó sẽ đến từ việc bán các nông sản, lâm sản mà nhà Ingalls trồng hoặc săn bắt được. Mẹ Caroline đã từng thuyết phục các con những thứ cần phải mua và những thứ các con có thể đợi đến khi có đủ tiền rồi mua. Không ít lần Laura, Marry, Albert, Jason đã tìm cách (phụ may vá, dọn dẹp chuồng ngựa, nhà cửa hàng xóm) để kiếm thêm tiền mua những món đồ mà các cô muốn (quà Giáng Sinh cho mẹ, bố). Đúng là khi muốn chúng ta sẽ có cách.

4. Tiền không dừng ở khoản phí trang trải cuộc sống mà còn có tiết kiệm để phòng thân, tích lũy để đầu tư, và cho đi:
(Hình: Pexels)

Chắc hẳn "nguyên tắc 6 hũ tiền" không còn quá xa lạ với ai đó nhưng với mình nó mới lạ thật sự. Nó làm mình nhận ra, à tiền đâu chỉ dùng để sống, ăn, ở nó còn dùng vào nhiều việc khác thú vị và ý nghĩa hơn nhiều. 

Nếu biết sớm về 6 chiếc hũ này điều gì khiến bạn sống khác so với bây giờ? Tiêu tiền chủ động hơn, tiết kiệm được nhiều tiền hơn, học hỏi được nhiều kiến thức đầu tư và cho đi nhiều hơn. 

Đọc thêm:





Bài viết được xem nhiều

Sách và kiến thức: Phương pháp E.A.S.Y là gì?

Phim và bài học: Ngôi nhà nhỏ trên thảo nguyên Những mùa Giáng sinh không thể quên

Cảm nhận sách: Totto-chan cô bé bên cửa sổ