Chuyển đến nội dung chính

Thói quen với Thời gian

Việc một người sử dụng thời gian như thế nào sẽ nói lên một phần tính cách và tư duy của người đó. Việc gì bạn ưu tiên, bạn có hay trì hoãn hay đúng giờ không, bạn có thời gian biểu hay thói quen lặp đi lặp lại một vài công việc vào một thời điểm cố định không (Morning/ night routine).

Ai cũng có trong tay 24 giờ mỗi ngày nhưng chính việc sử dụng thời gian không giống nhau đã mang đến những mảnh đời thành công hay thất bại khác nhau. Thói quen sử dụng thời gian của bạn là gì? Bạn đã có những bước ngoặt thay đổi như thế nào về thời gian và việc sử dụng nó? Hãy chia sẻ với mình qua bài viết hôm nay nhé! 🥰

1. Thời gian là tài nguyên
(Hình từ Pexels)

Mình đã từng không suy nghĩ được như thế này cho đến khi đọc được cuốn sách của Brian Tracy.(1) Nó đã thực sự thuyết phục được mình. Cũng như tiền, trí tuệ, khoáng sản, năng lượng tự nhiên thì thời gian cũng chính là tài nguyên. Mà đã là tài nguyên thì mình phải biết phân bổ sử dụng hợp lý. Với mình thời gian là dạng tài nguyên có hạn, không tái tạo được như vậy lại càng phải sử dụng dè chừng và tiết kiệm. 

2. Giờ nào việc nấy và đúng giờ
(Hình từ Pexels)

Mỗi công việc cần có thời gian bắt đầu và kết thúc rõ ràng, đặc biệt phải biết được khoảng thời gian lâu nhất có thể lố được. Và sau đó, đến giờ kết thúc thì nó phải kết thúc. Ví dụ khi cho con ăn cơm (nhất là trẻ mới tập ăn) mẹ đề ra 30 phút để ăn hết một phần cơm thì có nghĩa là 30 phút thôi, không kéo lê đến 1 tiếng đồ hồ, con vừa ngậm cơm, vừa ăn, vừa xem phim hay vừa chơi được. Mẹ vừa năn nỉ ỉ ôi hay quát mắng ép con ăn. Nếu hết giờ và con không ăn nữa thì thôi. Khi con đói sẽ ăn vào giờ ăn tiếp theo. 

Giờ nào để sinh hoạt cá nhân: ngủ, ăn, tắm. Giờ nào học hỏi kiến thức: đi học, đọc sách. Giờ nào làm việc. Giờ nào vui chơi, dành cho gia đình, bạn bè. Nếu xác định được những khung giờ trên và tập trung làm cho xong việc trong khung giờ đó thì quả thực bạn đã có một nếp sống lành mạnh. Đó cũng chính là mục tiêu dạy con từ bé tính kỷ luật về thời gian, nếp sinh hoạt tốt cho sức khoẻ. (2)

3. Linh hoạt với thời gian khiến bản thân thoải mái hơn
(Hình từ Pexels)

Đôi khi sức khoẻ, khối lượng công việc là những yếu tố khiến ta không thể ép bản thân theo thời gian được. Khi không khoẻ hãy nghỉ ngơi. Khi không thể cố gắng chạy kịp deadline (hạn nộp) thì có thể thương lượng với đối tác để tìm ra giải pháp tối ưu, hợp lý đôi bên. Khi không thể "giờ nào việc nấy" thì thôi chấp nhận làm việc khác phù hợp hơn. Nếu khó ngủ thì dậy đọc sách, xem phim, nghe nhạc, làm việc cho đến khi cảm thấy buồn ngủ trở lại. Sao phải trằn trọc và nằm suy nghĩ tại sao ta không ngủ được? 😌

4. Ghi chép và theo dõi thời gian biểu
(Hình từ Pexels)

Đây là thói quen bước đầu cho việc quản lý thời gian hiệu quả. Trước khi cố ép bản thân vào một khuôn khổ nào đấy, hãy ghi chép trung thực một ngày, một tuần, một tháng và một năm của ta đã diễn ra như thế nào. 

Lần cuối mình cầm tờ thời khoá biểu trên tay là lúc học đại học. Nhưng đến giờ mình mới hiểu ý nghĩa của nó: một ngày của mình đã, sẽ diễn ra như thế nào. Và khi rời ghế nhà trường thì không còn tờ thời khoá biểu nào nữa vì đâu còn môn học gì nữa đâu. Đáng ra mình cần duy trì một thời gian biểu như thế suốt cuộc đời mới phải. 🥲

Tham khảo thêm:

Bài viết được xem nhiều

Sách và kiến thức: Phương pháp E.A.S.Y là gì?

Phim và bài học: Ngôi nhà nhỏ trên thảo nguyên Những mùa Giáng sinh không thể quên

Cảm nhận sách: Totto-chan cô bé bên cửa sổ