Chuyển đến nội dung chính

Cách đọc sách Self-help


Bạn có đọc sách self-help không?
Mình vẫn giữ thói quen tìm và đọc những cuốn sách self-help. Mình hay tự hỏi sao ngày xưa đi học phổ thông chẳng thầy cô nào bảo học sinh đọc những cuốn sách theo kiểu hướng dẫn sử dụng trước khi dùng nhỉ, biết đâu mình sẽ thực tế và tư duy logic hơn. 
Đùa thôi, mỗi người đọc sách theo mỗi kiểu. Ấy nhưng mình vẫn muốn chia sẻ với cách bạn những điều mình ngộ nhận khi đọc sách self-help nha:
-----

ĐỌC SÁCH LÚC CẦN
Điều này có nghĩa là, mình chỉ tìm và đọc những cuốn sách self-help khi mình cảm thấy bản thân đang thực sự thiếu sót hoặc cần thiết bồi dưỡng kỹ năng nào đó bạn vốn có nhưng chưa tốt lắm. Chính vì vậy, trước khi đọc bất cứ cuốn sách self-help nào, bạn cần phải biết rõ kỹ năng nào mình còn yếu và bạn cần đọc sách gì để lấy kiến thức và áp dụng. Điều này có hai lợi ích, một là mình sẽ luôn có cảm giác thôi thúc đọc hết cuốn sách để đi tìm cho mình những câu trả lời phù hợp nhất, đánh giá được cuốn sách mình đang đọc thực sự hay hay không. Hai là giúp mình tiết kiệm thời gian, vì có hàng vô số cuốn sách self-help, bạn không thể vô tình thích thú một vài cuốn, đọc chúng như tiểu thuyết và cuối cùng là một mớ kiến thức chẳng dùng để làm gì. 


ĐỌC REVIEW TRƯỚC KHI MUA SÁCH
  • Có lẽ tham khảo ý kiến người khác trước khi quyết định làm một việc gì và chỉ chọn cái tốt nhất trong số những cái tốt nhất sẽ là hai việc làm quan trọng góp phần ảnh hưởng đến kết quả của bất cứ việc gì bạn sẽ làm. Đằng sau ý tưởng này là: bạn là một người sử dụng thông minh. Bạn có thể tiết kiệm thời gian cũng như giúp bản thân trao dồi khả năng tổng hợp phân tích thông tin từ nhiều nguồn. Những lời đánh giá của người đọc trước (từ Goodreads hay các kênh YouTube, Trạm đọc) sẽ là nguồn tham khảo thú vị để chúng ta đưa ra quyết định có nên chọn cuốn sách đó hay không. Và từ lời đánh giá, chúng ta biết, ai là người thầy giỏi nhất nên học và đâu là cuốn sách hay nhất nên đọc. Đồng thời, chúng ta có thể biết được, liệu rằng cuốn sách có "gãi trúng chỗ ngứa" của chúng ta hay không. Nếu được, bạn nên tìm hiểu thêm thông tin về tác giả của cuốn sách, họ là ai, đang làm gì. Từ đó, bạn có thể biết được họ có phải là người chỉ nói suông những lý thuyết sáo rỗng hay cuốn sách thực sự là những kinh nghiệm quý giá được đúc rút từ những trải nghiệm thực tế từ công việc và cuộc sống hàng ngày (ví dụ: Brian Tracy hay Neale S. Godfrey). Mục đích cuối cùng, cũng chỉ để bạn củng cố thêm niềm tin rằng, họ làm được chẳng hà cớ chi ta không làm được. 
  • Mình nhận ra, hầu hết cách cuốn sách self-help sẽ có nội dung khá là giống nhau, nếu mình lao vào đọc cuốn sách mà không có sự tìm hiểu kỹ trước chủ đề cũng như sách self-help bạn sẽ đọc, bạn sẽ đi một con đường dài, nhàm chán. Có thể cuối cùng mình cũng sẽ tìm được cuốn sách phù hợp, nhưng thời gian và công sức để bỏ ra là không đáng. Bạn không phải là một nhà kiểm tra chất lượng nội dung sách. Mục đích chính của mình là, đọc và nhanh chóng rút ra được các ý tưởng và áp dụng chúng vào đời sống giúp mình sống tốt hơn mỗi ngày.

LIÊN TƯỞNG

Không giống như những cuốn sách trinh thám, tiểu thuyết, truyện ngắn, hồi ký, sách self-help không hấp dẫn cuốn hút mình bởi vốn từ ngữ giàu trí tưởng tượng và khơi nguồn cảm xúc. Nhưng nếu nói self-help khô khan và sáo rỗng thì cũng chưa hẳn đã đúng. Thực ra, điều đó phụ thuộc vào cách mình đọc self-help như thế nào. Trí tưởng tượng của con người là vô hạn. 

Với self-help, nhân vật chính trong những trang sách, không ai khác chính là mình. Mỗi kỹ năng, mỗi ví dụ ứng xử được đưa ra, hãy gắn bạn vào đó. Mình của quá khứ đã xử lý chuyện này như thế nào ấy nhỉ, hiện tại ra sao và trong tương lai mình muốn ứng xử như thế nào. Sau đó mình, bằng một cách rất tự nhiên, sẽ hiều được bài học mà tác giả gửi gắm. Chẳng ai tự nhiên chỉ dạy một cách thẳng thắn như self-help. 

Mình tưởng tượng, tác giả đang ngồi trước mặt mình, và họ đang nói cho bạn nghe những lời vàng ngọc, được đúc rút từ hàng chục năm làm việc trong lĩnh vực mà học theo đuổi (ví dụ cuốn Thuật Quản Lý Thời Gian của Brian TracyTiền Không Mọc Trên Cây của Neale S. Godfrey) và nếu để có được những khóa học chia sẻ từ tác giả, nhiều người đã phải bỏ ra tiền bạc công sức để nghe, thì mình sẽ càng cảm thấy việc được cầm cuốn sách của ông trên tay đọc đi đọc lại nhiều lần thật đáng quý biết bao, và đôi khi mình xem cuốn sách như báu vật của riêng mình vậy. Mình nhận ra sách self-help không hề khô khan, không hề không sinh động như mình tưởng. 


KHÔNG BIẾT GÌ HẾT
Bạn sẽ chẳng thể mở cái đầu của mình ra để tiếp thu kiến thức nếu trong đầu luôn có ý niệm: ôi cái này tôi biết rồi mà, chẳng có gì thú vị. Lời khuyên là, hãy mang một cái đầu trống rỗng tuếch ra để đọc sách self-help. Chẳng những giúp bạn dễ dàng nhập môn mà còn khiến bạn có thể tiếp thu tối đa những gì được việc trong sách. Bạn không thể viết thêm chữ nếu như trang giấy của bạn đã chi chít đầy chữ viết đúng không nào. Dù bạn là ai, khi đã tìm đến sách self-help thì chắc hẳn bạn đang không tự tin về một kỹ năng nào đó mà bạn thiếu sót. Chính vì vậy, chấp nhận rằng bản thân chẳng biết gì cả, chẳng có gì đáng xấu hổ. Điều quan trọng là, bạn sẽ học được gì từ cuốn sách self-help và cuộc sống của bạn sẽ tốt lên như thế nào sau khi đọc cuốn sách ấy.

TÓM TẮT - HÀNH ĐỘNG - PHẢN HỒI
  • Tóm tắt được nội dung chính mà cuốn sách self-help muốn truyền đạt bằng chính ngôn ngữ của bạn là cách hữu hiệu nhất để bạn biết được mình hiểu được ý tác giả muốn nói là bao nhiêu phần trăm. Có nhiều cách để làm việc này. Viết - nói lại cho một người bạn của mình nghe - dùng sơ đồ mind map - hoặc nói nhảm một mình. Nó không chỉ giúp mình ôn tập kiến thức đã học mà thông qua cách diễn đạt kiến thức giúp cho người khác hiểu được bạn cũng đánh giá được phần nào bạn đã thực sự hiểu đúng cuốn sách. Hiểu đúng vô cùng quan trọng, mình không những nhớ lâu mà điều quan trọng, mình sẽ thực hành đúng, từ đó xác suất đạt kết quả tốt mới cao. 
  • Hành động: sẽ chẳng có gì thay đổi, nếu mình chỉ đọc và giữ những bài học mới trong đầu mà không bắt tay chân mình phải thực hành. Lý thuyết vốn dĩ không phải là những lời sáo rỗng mà chính người học mới không biết cách biến lý thuyết được học thành những bài thực hành sinh động và đời thực. Bạn không thể chỉ đọc học công thức nấu ăn mà không cắt, rửa, nấu xào chiên đúng không?
  • Phản hồi: như một chu trình sản xuất khép kín, mình cần kiểm tra chất lượng công việc của mình đến đâu. Điều này giúp mình theo dõi, xem xét và điều chỉnh hành vi của bản thân để đạt được kết quả như mong muốn. Hoặc chí ít, bạn cũng biết được rằng, phương pháp mà tác giả đưa ra có thể là không phù hợp với mình không. 
Ghép từ các hình trên internet.


Bài viết được xem nhiều

Sách và kiến thức: Phương pháp E.A.S.Y là gì?

Phim và bài học: Ngôi nhà nhỏ trên thảo nguyên Những mùa Giáng sinh không thể quên

Cảm nhận sách: Totto-chan cô bé bên cửa sổ