Chuyển đến nội dung chính

Cảm nhận sách: Dế Mèn phiêu lưu ký

Bức tranh đồng quê
Hình bìa sách. Nguồn: Internet.

Chẳng thể nào phủ nhận được rằng thế giới côn trùng mà tác giả cố gắng tạo nên vô cùng sống động. Nhảy ra từ trong trang sách nào là đủ các loại dế: dế Mèn, dế Choắt, dế Trũi; rồi nào là bác Xén Tóc, đàn Bướm, bầy Châu Chấu, chim Cốc, Cóc, Kiến; đồng cỏ xanh mướt, dàn mồng tơi, đêm hè thanh vắng, yên bình. Nếu bảo rằng, những đứa trẻ thành phố ngày nay được sống trong những khu chung cư cao tầng, ngôi nhà kín cổng cao tường, chúng làm sao mà có được những trải nghiệm tuổi thơ nơi đồng quê thì xin cứ hãy đọc DMPLK của Tô Hoài. Chẳng cần đi đâu xa, cứ đọc và rồi mường tượng cái cảnh đồng quê, nơi những đứa trẻ chẳng có Ipad, Laptop, Smart phone, Facebook hay Tiktok, chúng đi bắt dế, chơi dế chọi, chỉ vậy thôi. 

Những bài học của dế mèn
Khi đọc lại DMPLK, thật chậm rãi, thật bất ngờ là có những gì mà dế Mèn trải nghiệm, suy ngẫm lại có thể khiến bạn đọc liên tưởng đến cuộc đời của một con người. Những chuyến đi phiêu lưu của dế Mèn cũng nói lên nhiều điều về tính cách của chú và những nhân vật còn lại.

Câu chuyện với Dế Choắt
Gặp người yếu ốm, kém may mắn hơn mình đừng cậy ta đây khỏe mạnh hơn, may mắn hơn mà chỉ trích, coi thường và chê bai. Thay vào đó nên hành động cụ thể để giúp đỡ họ. (Nếu thương em, anh có thể giúp em đào lỗ thông qua hang của anh để mỗi lần có chuyện gì em có thể chạy sang nhà anh lấn nạn. Dế Mèn đã không làm điều mà Dế Choắt khẩn cầu).

Có lẽ, cái chết của dế Choắt là bài học sâu sắc đầu đời mà Dế Mèn chẳng thể nào quên được. Bài học với cái giá quá đắt đỏ được trả bởi một cái chết đầy oan tiếc. Vì cậy mình khỏe, chân chạy nhanh, thích châm chọc, nhưng lại không lường hết hậu quả việc mình sẽ làm. Có thể, lần Mèn may mắn thoát chết, nhưng Choắt tội nghiệp vô can vô cớ lại phải nếm đủ những đòn tấn công của chị chim Cốc. Ngay khi gây ra sự việc, dế Mèn lại trốn trong cái hang chắc chắn và an toàn của mình. Mèn chẳng dám đứng ra nhận tội minh oan cho Choắt, chỉ biết trông ra cửa hang chứng kiến cảnh Choắt chịu đòn. Cái tính láu lỉnh hay gây sự ấy nếu không từ bỏ thì sẽ thật là đáng buồn làm sao!

Làm dế chọi
Nguồn: Internet. 
Lần này thì Mèn chẳng thể nào ung dung trong cái hang mà nó đã ngẫm là chắc chắn nhất của mình nữa. Bởi khác với chị chim Cốc, các cô bé cậu bé mới khôn làm sao. Chúng dùng mọi sức, mọi cách chặn không lối thoát, khiến cho Mèn ta phải bó tay mặc chờ số phận định đoạt. À thì ra, cái ngày mà Choắt đã dự báo với Mèn đã đến. Trong tình thế này, Mèn mới hiểu Choắt đối đầu với cái mỏ cứng của chị chim Cốc nó khốn khổ đến dường nào. Những ngày tháng làm dế chọi lại là những bài học mới. Những thành công hão huyền, phù phiếm được tung hô, khen thưởng từ người ngoài chẳng thể là những thành công đích thực, chẳng phải là mục đích sống cuối cùng của một đời Dế. Bác Xén Tóc cắt cụt hai cái râu bóng mượt của Mèn cũng là vì muốn chú ta nhớ đến một bài đừng cậy khỏe mà bắt nạt một em dế con mới tách mẹ, điều đó chẳng đáng để ăn mừng và Mèn ta không xứng anh hùng, hào kiệt tẹo nào.

Thăm lại gia đình
Dế Mèn bên mẹ và hai anh. Nguồn: Internet. 

Dù đi đâu, thì gia đình cũng sẽ là nơi cần phải đến thăm ít nhất một lần trong đời. Những lần nói chuyện với hai anh của Mèn, cũng nói lên nhiều vấn đề khác. Anh ba của Mèn thì quá ốm yếu, không phải là sinh ra vốn vậy, chỉ vì một lần đụng độ với chim Sẻ mà đâm ra sợ hãi với thế giới bên ngoài, ngại va chạm, ngại đi du lịch. Anh cả của Mèn lại là người trọng lễ nghi, hình thức, trách móc em út sao thăm anh ba trước mà không theo tôn ti trật tự thăm anh cả đầu tiên. Rồi bảo dế Mèn nếu ai cũng ham đi đây đó chỉ là để mở mang đầu óc (mà không phải đi kinh doanh buôn bán) thì lấy ai ra mà trông nom mồ mả tổ tiên. Tính thời sự, tính con người nằm ở đoạn này. Có lẽ chẳng chỉ có thời của tác giả, mà đến bây giờ và cả muôn kiếp người sau, tư tưởng của người Á Đông vẫn thế thôi. Nên bài học vẫn cứ còn mãi được nhắc với thời gian.

Những câu chuyện khác
Chuyến phiêu lưu lần thứ hai của dế Mèn cũng bắt đầu từ đồng quê ấy, nhưng khác với lần trước, dế Mèn chủ động đi. Chú đi vì khao khát đi chứ không vì lũ trẻ bắt đi như lần trước và lần này dế Mèn không đi một mình, chú có dế Trũi làm bạn đồng hành. Như để chuộc lại lỗi lầm của chuyến phiêu lưu bất đắc dĩ lần đầu tiên, dế Mèn trở thành chú dế trượng nghĩa, làm việc tốt, ra tay giúp đỡ kẻ yếu (Đầu tiên là giúp đỡ dế Trũi, rồi Nhện, rồi quyết từ chối thi đấu với Trũi trên đấu trường để tranh giành thắng thua, mạnh yếu; tiếp đến Mèn cố gắng lay chuyển bác Xén Tóc từ bỏ cuộc đời ngập tràn trong rượu, trong đàn hát, chán nản; Mèn kết bạn với đàn Châu Chấu để được đi đây đi đó; đánh nhau với bọn Muỗng, Cóc để tranh rõ đúng sai.)

Nếu ở cái tuổi 12, mình chẳng nhớ gì nhiều về tác phẩm, ngoài mấy câu đồng dao: 
“Cái cò cái vạc cái nông 
Ba con cùng béo vặt lông con nào 
Vặt lông con cốc cho tao 
Tao nấu tao xào tao ăn” 

thì giờ, lúc đọc hết cuốn sách, mình mới hiểu tại sao nó lại được trích đoạn trong sách Ngữ Văn lớp 6. Có lẽ nếu tại thời điểm ấy, có ai đó bảo con đã đọc hết truyện DMPLK chưa, còn nhiều điều thú vị khác đang chờ con khám phá đấy, thì có lẽ cũng tìm và ráng đọc hết.

Theo chân anh dế Mèn, mình được thỏa sức trí tưởng tượng, thả tâm trí vào một thế giới côn trùng sinh động mà nơi ấy sẽ khơi gợi cho mình những tò mò khám phá những nơi những điều mà mình có thể chưa biết đến. 

Mỗi nhân vật trong truyện (dế Mèn, dế Choắt, dế Trũi, bác Xén Tóc v.v) gắn liền với những tính cách điển hình qua đó, mình hiểu rằng thế giới loài người cũng vậy, cũng có những con người khác biệt nhau. 

Từ DMPLK có nhiều thông điệp, bài học nho nhỏ được gửi gắm, khích lệ mình không ngại đi đây đi đó để trải nghiệm thế giới bên ngoài, sống có lý tưởng, sống thiện lành, dũng cảm bênh vực kẻ yếu, sống khiêm tốn hòa nhã, yêu thương đồng loại.

Nếu một ngày con mình đủ lớn, mình có thể đọc DMPLK cho nghe vào mỗi buổi tối trước khi đi ngủ. Biết đâu trong mỗi giấc mơ, con là anh dế Mèn nhỏ đang bắt đầu chuyến hành trình phiêu lưu của riêng mình. Những điều nhỏ bé ấy sẽ theo chân con đi suốt cuộc đời làm phong phú tâm hồn của con.
---

Ghi chú:

Nhà văn Tô Hoài viết tác phẩm "Dế Mèn Phiêu Lưu Ký" từ năm 1941 đến 1955. Tác phẩm đã quen thuộc bạn thiếu nhi Việt Nam và bạn bè ở hơn 40 quốc gia trên thế giới. Trong chương trình Ngữ Văn lớp 6, có một trích đoạn của DMPLK, cảnh dế Choắt chịu đòn chết oan bởi cái tính hay thích châm chọc của dế Mèn. Không dừng lại ở đó, truyện còn có nhiều điều gì thú vị chờ đón bạn đọc nếu đi hết chuyến phiêu lưu cùng dế Mèn. Bên ngoài cái gọi là truyện thiếu nhi ấy lại có nhiều câu từ, ý tứ rất nhân văn và người lớn mà đúng hơn là những lời tâm sự từ một con người từng trải và đáng để suy ngẫm thêm. 

Một cảnh trong dế Mèn. Nguồn: Internet










Bài viết được xem nhiều

Sách và kiến thức: Phương pháp E.A.S.Y là gì?

Phim và bài học: Ngôi nhà nhỏ trên thảo nguyên Những mùa Giáng sinh không thể quên

Cảm nhận sách: Totto-chan cô bé bên cửa sổ