Chuyển đến nội dung chính

Tóm tắt sách: Bốn thỏa ước

Từ ngữ tổn thương

Nói xấu sau lưng người khác. Điều này không giúp cuộc sống của bạn tốt lên được. Bởi, nó chỉ khiến bạn lan tỏa những suy nghĩ, cảm xúc tiêu cực cho bản thân mình và đến với những người xung quanh. Con người sẽ cư xử với nhau một cách ngờ vực, không hài lòng lẫn nhau, không tôn trọng lẫn nhau, không chấp nhận, lắng nghe lẫn nhau. Và chẳng có điều gì là tồi tệ hơn thế. Bởi cuộc sống của chúng ta là một chuỗi phản ứng. Nếu bạn tốt và vui vẻ với mình, mình sẽ tốt và vui vẻ với bạn. Nếu bạn nở với mình một nụ cười, mình sẽ cười lại với bạn. Và cứ như thế, nếu chúng ta cứ đối xử với nhau bằng những lời chê bai, chỉ trích, thái độ nóng giận, trách móc thì chúng ta chỉ nhận lại những cảm xúc tiêu cực mà thôi.

Tức giận và đưa ra những nhận xét tiêu cực với chính bản thân mình và người khác.
Bạn đã bao giờ nói với ai đó rằng những câu như sau: 
- Cậu không làm được cái này cái kia đâu? 
- Giọng hát của anh thật là dở tệ? 
- Mặt anh thật xấu xí? 
- Gu thời trang của cô thật lỗi thời? 
- Anh thật chẳng làm nổi được việc gì?

Đã bao giờ bạn nói với ai đó những lời phũ phàng như vậy chưa? (vô tình hay cố ý).
Bạn có hiểu hết được sức mạnh hủy diệt của những từ ngữ này không? 
Nó có thể đưa đẩy số phận của một con người sang chiều hướng khác: có thể là không tốt đẹp hơn như bạn tưởng. Từ có thể thành không thể. Và thật tệ là nếu điều bạn chê bai, bình phẩm không phải là sự thật (vì đó không phải là lời nói của bạn. Đó là lời nói của sự tức giận, tâm trạng không vui do công việc không suôn sẻ như bạn muốn, hay đơn giản là vì cơn đau đầu đang hành hạ bạn) thì bạn sẽ biến từ một người hát không đến nỗi nào thành con người nhút nhát và không bao giờ cất tiếng hát nữa. 

Còn với bản thân bạn thì sao: có bao giờ bạn tự chửi rủa bản thân mình: Mình là người kém cỏi, ăn nói vô duyên hay đơn giản là xấu xí chưa? Bạn có biết rằng, bạn đang dùng chính từ ngữ của mình để chống lại bản thân? Bạn đang từ từ phá hủy bản thân cả tinh thần lẫn thể xác. Hay đơn giản, bạn đang truyền đi một tính hiệu là bạn không yêu quý và trân trọng cơ thể mà bạn đang có. 

Điều này làm mình nhớ đến lời bài hát "No matter what" của Boyzone. 

"No matter what they tell us
No matter what they do
No matter what they call us
However, they attack
No matter where they take us
We'll find our own way back
...
What we believe is true
And I will keep you safe and strong
...
I know, I know
I know this love's forever
That's all that matters now
No matter what"

Đơn giản là, đừng để bản thân bị ảnh hưởng bởi bất kỳ từ ngữ nào mà bạn nghe được, đọc được. 

Vậy chúng ta phải làm gì để tuân theo thỏa ước thứ nhất này?
Hãy chỉ nói những điều tốt đẹp, lan truyền cảm xúc tích cực, yêu thương đến mọi người và ngay cả với chính bạn. Điều này đồng nghĩa với việc ngừng ngay việc dùng từ ngữ của bạn (nói ra hay chỉ là ý niệm) để làm tổn thương và hủy hại chính bạn và người khác. Đơn giản là, hãy cẩn trọng khi nói hay bày tỏ cảm xúc của bạn. 

Điều này làm mình nhớ đến nghiên cứu hình dạng tinh thể nước của Tiến sỹ Emoto Masaru. Ông cho rằng, nếu dùng những lời lẽ yêu thương, tử tế (như Tôi yêu bạn, Bạn thật là đẹp) để nói với nước thì các hình thái đóng băng của tinh thể nước này sẽ cân xứng, rực rỡ và rất đẹp như những bông tuyết. Ngược lại, nếu con người nói những lời giận giữ, ghét bỏ hoặc nguồn nước bị ô nhiễm, thì các hình thái băng này sẽ biến dạng và xấu xí. Cơ thể của chúng ta cũng 70% là nước, nếu như theo lời của Emoto Masaru, nếu chúng ta gieo những tâm niệm, lời nói đẹp đẽ, tích cực thì những tinh thế nước trong cơ thể chúng ta sẽ là những bông tuyết tuyệt đẹp và ngược lại. Emoto Masaru cũng viết rằng: 

"...Từ ngữ đẹp tạo ra bản tính đẹp.
Từ ngữ xấu tạo ra bản tính xấu..."
Nguồn: Pixabay.com

Don't take it personally

Bạn đã bao giờ phải nghe và ám ảnh bởi những lời phán xét của người khác. Họ - có thể chỉ là những người bạn vô tình gặp ở ngoài đường hay những người thân quen - nói rằng bạn xấu xí, ngu ngốc, ngớ ngẩn. Tác giả cuốn sách "Bốn thỏa ước" cho rằng khi nghe được những lời nói như vậy, bạn không nên xem đó là những lời lẽ đang nói về bạn, đừng chấp nhận nó bằng cách ghi nhớ vào đầu và suy nghĩ về chúng. Đơn giản là đừng tin đó là sự thật. Ngay cả với những lời khen của một ai đó dành cho bạn, nó cũng không phải là sự thật, là một diều gì đáng để bạn bận tâm và ghi nhớ. Hãy tin vào chính bản thân mình. Chỉ có bạn mới biết được giá trị đích thức của bạn ở đâu mà thôi!

Tuy nhiên, ngay cả khi bạn đang tự phán xét về chính mình thì hãy cũng coi chừng những lời phán xét ấy. Bởi vì đó cũng không phải là điều đáng để bạn tin vào: dù là lời tự ám chỉ ấy là xấu hay là tốt. 

Tóm lại, đừng trói buộc bản thân bạn với bất kỳ lời phán xét của người khác hay của chính bạn dành cho bạn. 

Suy đoán

Chúng ta thường suy đoán tình hình sự việc hơn là đặt những câu hỏi để hiểu một cách rõ ràng sự tình. Tác giả cho rằng chính sự phỏng đoán của chúng ta làm cho sự việc thêm mơ hồ và có thể dẫn đến những hậu quả không mong muốn. Đặc biệt, trong mối quan hệ gia đình: vợ chồng, con cái. Chúng khiến chúng ta ngờ vực nhau, hiểu sai ý nhau và không thể thỏa mãn được điều mà đối phương kỳ vọng. Thay vì quan sát, suy đoán sự việc theo kinh nghiệm và con mắt chủ quan của bản thân, tác giả khuyên độc giả hãy mạnh dạn đặt những câu hỏi. Đổi lại, chúng ta sẽ có những câu trả lời giúp làm sáng tỏ mọi ngờ vực. Nếu có cơ hội trong lần tới, bạn hãy nhớ, đừng phỏng đoán, đừng suy đoán bất cứ một hành động, cử chỉ, lời nói ám thị nào. Bạn có quyền được hỏi và hầu như bạn không mất mát gì nếu hỏi người khác. Chính vì vậy, hãy hỏi nếu bạn chưa rõ về một vấn đề nào đó, mọi thứ sẽ dễ chịu hơn. 

Làm tốt nhất có thể 

Hãy làm tốt nhất có thể. Điều này hết sức quan trọng. Khi chúng ta cố gắng làm tốt nhất khả năng của mình có nghĩa là chúng ta đang tập trung vào quá trình hơn là kết quả. Bạn làm việc vì bạn tìm thấy được niềm vui, niềm yêu thích trong công việc chứ không phải những gì bạn sẽ nhận được sau khi hoàn tất nó (ví dụ tiền lương, lời ca ngợi, đánh giá cao của ai đó). Bạn sẽ không phải chịu áp lực từ bên ngoài (tích cực hay tiêu cực), từ người khác. Điều này cũng giúp bạn kiên trì theo đuổi và dễ dàng vượt qua những khó khăn thử thách của công việc mà bạn đang làm.

Tự do

Tự do là gì?
Tự nhận thức về bản thân nghĩa là bạn sẽ phải rà soát xem, từ trước đến nay, mình có đang phạm vào 1 trong 4 thỏa ước trên kia không. Sự tự nhận thức rất quyền năng. Bởi như tác giả cho rằng, nếu không có nó sẽ chẳng có gì thay đổi. Điều này sẽ làm cơ sở cho khả năng bạn có thể thực hiện theo 4 thỏa ước trên được hay không. 

Thay đổi niềm tin cũ, chấp nhận 4 thỏa ước, biến chúng trở thành những cam kết hành động mới. Bạn sẽ tập trung sự chú ý của bạn vào 4 thỏa ước và điều chỉnh những thỏa ước phù hợp với chính bạn. Hãy sửa chữa và xóa bỏ những niềm tin cũ - mà người ngoài hay chính bạn từ bao lâu áp đặt cho bạn (ví dụ như bạn hát không hay, bạn học không giỏi ngoại ngữ, bạn học không giỏi môn toán) bằng cách nói với chính bản thân bạn rằng: "Tôi sẽ thử lại, cho dù kết quả có tệ đi chăng nữa". Với việc lặp đi lặp lại những câu nói như thế này bạn sẽ từng bước phá vỡ những niềm tin cũ về bạn. Hãy tập luyện thường xuyên để có thể thay thế những thỏa ước cũ bằng thỏa ước mới.

Kiểm soát hành vi của bạn bằng lòng vị tha và kiểm soát cảm xúc của bạn thân: Lòng vị tha là chìa khóa, bước khởi đầu giúp con người được tự do. Lòng vị tha giúp chúng ta biết cách tự chấp nhận và yêu quý bản thân mình hơn. Khi chúng ta có lòng vị tha, chúng ta sẽ không còn đối xử với người khác một cách cảm tính nữa. Đôi khi vì thiếu lòng vị tha, nên chúng ta dễ cáu gắt, nóng giận và ghét bỏ đối phương cho dù họ có tốt hay không đến nỗi nào. Khi có lòng vị tha rồi, chúng ta sẽ cư xử nhẹ nhàng, lịch sự với người khác hơn, cho dù, bản thân không mấy hài lòng về họ. 

Kiểm soát cảm xúc (yêu thương quá mức, tức giận quá mức) sẽ giúp chúng ta không phạm vào những lỗi lầm như: nói những điều mà chúng ta không nên nói, làm những hành động chúng ta không nên làm. Tiến sỹ Lê Thẩm Dương cũng đã từng cho rằng: "Cảm xúc là kẻ thù số 1 của thành công". Nếu không thể kiểm soát cảm xúc thì hành động, lời nói của chúng ta sẽ không còn chừng mực và được điều chỉnh bởi lý trí nữa. Đôi khi nó có thể khiến chúng ta xấu hổ về bản thân mình sau khi chúng ta ý thức được rằng chúng ta đã bị cảm xúc quá mức chi phối. 

Hãy dùng cái chết như một lời nhắc nhở cho cách mà bạn sẽ sống vào ngày hôm nay: Cái chết là người thầy của chúng ta. Bạn sẽ biết được mình phải làm gì, sống tốt như thế nào với ai nếu bạn biết rằng bạn chỉ còn sống được ngày hôm nay và ngày mai bạn phải lìa xa cuộc đời. Khi con người ở cận kề với cái chết, lòng trắc ẩn, sự hối hận sẽ trỗi dậy. Thường thì chúng ta sẽ có những suy nghĩ nếu như được sống thêm chúng ta sẽ không hành động xấu xa như thế này thế kia, chúng ta sẽ đối xử tốt hơn với người này người kia thay vì ghét bỏ họ. Lương tâm và bản tính lương thiện của con người chỉ thức tỉnh khi cận kề với cái chết. Hãy dùng cái chết, để suy nghĩ cách mà mình sẽ sống mỗi ngày, cơ hội cuối cùng giúp bạn hoàn lương,

Mình có quyền được sống ở thiên đường - nơi mà chính mình tạo ra:
Hãy quên đi tất cả những gì bạn có, làm mới tâm trí mình mỗi khoảnh khắc. Bạn có quyền được mơ và sống trong những cuộc đời mới mẻ (thiên đường) để trở thành con người thực sự của bạn. Đó có thể là một cuộc đời không còn nỗi sợ hãi và chỉ có tự do. Bởi chỉ có bạn mới biết chính xác điều bạn muốn và điều bạn không muốn. Bạn sẽ không phải chịu trách nhiệm cho bất kỳ ý kiến lời nhận xét của ai, cũng như bạn không cần phải điều khiển bất kỳ ai, hay phải chịu sự điều khiển của bất kỳ ai đó đối với bạn. 

-----

Mình có chút hụt hẫng đôi chút ngay sau khi đọc cuốn sách self-help này. Đơn giản là vì 4 thỏa ước này không có gì mới mẻ: Muốn tự do hãy đừng lệ thuộc vào lời nói bên ngoài và lẫn bên trong. Nhưng vấn đề là làm thế nào để có thể ghi nhớ, tạo những thói quen biến 4 thỏa ước trên thực sự trở thành những kỹ năng. Những chia sẻ của tác giả ở những chương cuối cũng là những lời gợi ý khá thú vị: Sự tự do bắt nguồn từ việc tự nhận thức của mỗi người về ý nghĩa và tầm quan trọng của 4 thỏa ước trên./.




Bài viết được xem nhiều

Sách và kiến thức: Phương pháp E.A.S.Y là gì?

Phim và bài học: Ngôi nhà nhỏ trên thảo nguyên Những mùa Giáng sinh không thể quên

Cảm nhận sách: Totto-chan cô bé bên cửa sổ