Chuyển đến nội dung chính

Cảm nhận sách: Totto-chan cô bé bên cửa sổ

Lý do chọn đọc Totto-chan:

Totto-chan cô bé bên cửa sổ.

Mình đọc Totto-chan là hoàn toàn tình cờ. Lúc còn là cô sinh viên năm 2 đại học, trong một lần đi nhà sách, thấy bìa sách lạ mắt, có vẽ hình đèn cá Nhật bản và ghi chữ Totto-chan to đùng. Thế là mình quyết định ngồi đọc vài trang sách đầu tiên rồi bị cuốn luôn đến trang cuối cùng. Sau đó, mình mua luôn cuốn sách và giữ đến tận bây giờ, vậy là cũng được 5 năm rồi.

Bìa sách như vậy. Nguồn: goodreads.com

Thời gian gần đây, mình đọc đi đọc lại cuốn sách này. Mình đọc cho bạn nhỏ nhà mình nghe mỗi tối. Vì truyện viết theo từng câu chuyện không quá dài. Mỗi câu chuyện lại được kể theo từng chủ đề nên đối với các bạn nhỏ rất dễ hiểu và dễ theo dõi. Không khí trong những câu chuyện cũng nhẹ nhàng, vui tươi, hài hước, dễ thương nên rất thích hợp đọc trước khi đi ngủ. Nếu bạn nào từng xem phim hoạt hình nhiều tập của Nhật Bản Maruko thì có thể dễ dàng hình dung Totto-chan cô bé ngồi bên cửa sổ cũng mang sắc màu như vậy (xem video dưới đây bạn nhé!). Những ngày cuối năm 2021, mình lại đem sách ra đọc. Lần này mình đọc chậm thôi, mỗi tối một câu chuyện để có thể thấm được những bài học trong đó. Vậy là có dịp ngồi viết bài chia sẻ này. 😁



Cuốn sách này dành cho ai: 
+ Cho tất cả mọi người;
+ Đặc biệt cho cha mẹ, nhà giáo, những người quan tâm đến việc giáo dục con trẻ, những người muốn đi tìm triết lý giáo dục mới.

Điều gì ở Totto-chan đọng lại trong mình? 
Một cuốn sách nhẹ nhàng và chân thật kể về quãng thời gian tác giả Tetsuko đi học ở trường tiểu học Tomoe. 

Totto-chan là cô bé cá tính, đáng yêu và hồn nhiên. Cô yêu bố, yêu mẹ và đặc biệt cô yêu cả Rocky. Mình nhớ nhất là lúc Rocky cắn vào tai Totto-chan cô bé sợ bố mẹ phạt Rocky thế là cứ một mực bảo bố mẹ không được mắng nó mà quên luôn cái tai đang chảy máu của mình. Khi trở về nhà từ chuyến nghỉ hè, không thấy Rocky đâu, Totto-chan đã khóc và đi tìm Rocky trong vô vọng. Cảnh đó cứ ám ảnh mình mãi. 

Totto-chan và Rocky cũng có những khoảnh khắc vui tươi như: Rocky theo Totto-chan đến ga mỗi ngày đến trường; Rocky đeo bảng tên của Totto-chan ở sân ga; Totto-chan khoe với Rocky bảng điểm đầu tiên của mình khi học ở trường Tomoe ngay sau khi về đến nhà; hay Totto-chan giấu bố mẹ và chỉ nói cho Rocky biết chuyện mình sẽ giúp Yasuaki-chan leo cây (Em tin là Rocky sẽ không bao giờ nói chuyện này với bố mẹ Totto-chan, có vẻ em rất biết "chọn mặt gửi vàng" 😂). Chỉ với những chi tiết nhỏ bé hế thôi cũng thấy rằng tình yêu của trẻ nhỏ và vật nuôi cũng là một thứ tình cảm đáng yêu biết dường nào.

Totto-chan rất hòa đồng với bạn bè.
 
Với bạn bè thì sao? Totto-chan hòa đồng với bạn bè vô cùng luôn. Cô bé có tình bạn đặc biệt với Yasuaki-chan - cậu bé bị bại liệt. Lần đầu Totto-chan gặp Yasuaki-chan với đôi chân bị liệt cô bé tò mò e ngại. Mặc dù rất nhỏ tuổi nhưng em đã hiểu chuyện không những không trêu đùa bạn mà còn thương cảm bạn. Chính Totto-chan đã giúp Yasuaki-chan được một lần trong đời trèo lên cây cao và ngắm nhìn quang cảnh xung quanh trường học. Đó cũng là một trong những câu chuyện cảm động nhất đối với mình.

Nhưng không thể quên được câu chuyện đầu tiên đúng không? Chuyện Totto-chan bị đuổi học sau tuần đầu tiên đi học ở trường cũ. Đọc truyện nhiều lần, mà lần nào mình cũng phải bật cười khi đọc đến đoạn kể về buổi nói chuyện giữa cô giáo chủ nhiệm và mẹ của Totto-chan. Vừa buồn cười mà vừa thương. Buồn cười vì cái vẻ ngây ngô vô số tội của Totto-chan. Trong lúc cả lớp ngồi nghe cô giảng bài, em ngồi nói chuyện với đoàn người hát rong; em nói chuyện với đôi chim nhạn. Thương là vì vẻ mặt bất lực của cô giáo không biết làm sao cho lớp học trật tự trở lại và tiếp tục bài giảng. Buồn cười là vì vẻ thích thú của Totto-chan khi hào hứng đóng và đậy nắp bàn, viện cớ lấy cái này ra, cho cái kia vào, thông minh đấy chứ hả? Thương là vì trong buổi nói chuyện, mẹ của Totto-chan cũng không biết làm cách nào để giúp cô giáo bình tĩnh trở lại, ngoại trừ việc ngưng thắc mắc về những việc cô bé đã làm trong buổi học. 😂😆 

Bài học gì từ những câu chuyện của Totto-chan và trường tiểu học Tomoe?

 

Những câu chuyện được kể về trường học cũ của Totto-chan ở đầu cuốn sách phần nào làm rõ sự khác biệt triết lý giáo dục của trường Tomoe và những trường học khác. Điều này thể hiện rõ trong buổi gặp đầu tiên giữa Totto-chan và thầy hiệu trưởng trường Tomoe. Ông đã dành 4 tiếng đồng hồ để nghe Totto-chan nói về bất cứ điều gì mà Totto-chan muốn, cho đến khi cô bé không còn chuyện gì để kể cho ông nghe nữa. Trong khi đó, cô giáo ở trường cũ của Totto-chan lại cảm thấy khó chịu, phiền hà khi Totto-chan nói chuyện trong giờ học. 

Ở Tomoe có những triết lý giáo dục thật khác biệt. Các em học sinh hát vui vẻ trước bữa ăn và được nói chuyện rôm rả trong giờ ăn; trong giờ học các em được học chọn học môn mà các em yêu thích; các em tự tìm hiểu bài học cô giáo chỉ hỗ trợ, giải đáp thắc mắc mà thôi; giờ ăn trưa các em được ăn đủ dinh dưỡng món ăn từ biển và từ đất; buổi cắm trại ngay trong phòng họp của trường; nếu buổi sáng các em hoàn thành bài học sớm, buổi chiều cô và các em sẽ đi dạo quanh đền thờ, ruộng vườn; các em được tắm cởi truồng ngay trong sân trường vào mùa hè.

Có rất nhiều nhiều chi tiết nhỏ thôi về trường Tomoe nhưng lại khiến mình suy ngẫm, như cổng trường là hai thân cây to; lớp học là toa xe lửa cũ. Nhưng phải nói rằng, điều mình tâm đắc nhất vẫn là chuyện thầy cô ở đây rất tôn trọng các em học sinh. Từ câu chuyện thầy hiểu trưởng dành 4 tiếng đồng hồ im lặng để nghe Totto-chan kể hết chuyện này qua chuyện kia, không những khó chịu mà còn khuyết khích em kể hết chuyện mới thôi; hay chuyện thầy để cho Totto-chan tự hốt phân tìm cái ví của mình, rất bình tĩnh và đầy tôn trọng. 

Còn chuyện sáng tác bài hát trường Tomoe nữa nhỉ? Nếu ngay từ đầu thầy nói việc sáng tác bài hát riêng cho trường là không cần thiết với các em học sinh thì sẽ như thế nào? Dù cuối cùng trường Tomoe không có bài hát riêng nào như trường cũ của Totto-chan nhưng các em cũng đã thấy được nỗ lực hết mình của thầy hiệu trưởng - chiều lòng các em sáng tác một bài hát chỉ có 1 từ Tomoe. Vậy đấy, việc đánh giá sự cần thiết có một bài hát riêng như các trường khác hay không dường như không phải là việc quá quan trọng để thầy bận tâm. Có thể sau buổi hôm đó, chẳng còn em nào nhắc đến việc sáng tác bài hát riêng cho trường nữa cũng đủ để trả lời cho câu hỏi đó rồi. 

Đọc lại Totto-chan mỗi năm: 

Totto-chan cuốn sách đáng đọc lại mỗi năm.

Đơn giản là nó vui và sâu sắc. Trẻ em mang đến sự hồn nhiên và năng lương tích cực. Với mình, đọc Totto-chan cứ như ngắm những đứa trẻ đang nô đùa vô tư, vô ưu. Đọc Totto-chan là để cười, để lắng đọng và cứ tưởng rằng đọc một lần thấy hết, hiểu hết tất cả ý nghĩa trong đó nhưng không phải. Đọc nhiều lần là để hiểu, nhớ và áp dụng bài học vào cuộc sống. Biết đâu đấy mình lại giống cô giáo ở trường cũ của Totto-chan, cứng nhắc áp đặt quy chuẩn trong việc giáo dục con mà quên đi một việc khác vô cùng quan trọng đó là: Tôn trọng và lắng nghe con trẻ. 

Bài viết được xem nhiều

Sách và kiến thức: Phương pháp E.A.S.Y là gì?

Phim và bài học: Ngôi nhà nhỏ trên thảo nguyên Những mùa Giáng sinh không thể quên