Chuyển đến nội dung chính

Sách và kiến thức: Những tuần Khủng Hoảng là gì?

Tuần khủng hoảng (The Wonder Weeks) bắt nguồn từ đâu?

Những tuần khủng hoảng là lúc con cần bạn âu yếm nhất

Cụm từ The wonder weeks xuất phát từ cuốn sách mang tên "The Wonder Weeks. How to Stimulate Your Baby's Mental Development and Help Him Turn His 10 Predictable, Great, Fussy Phases Into Magical Leaps Forward"(1), của hai vợ chồng tiến sỹ người Hà Lan Hetti van de Rijt và Frans X. Plooij, xuất bản lần đầu tiên vào năm 1992. 

Ở Việt Nam, vào năm 2013, cuốn sách này được nhà xuất bản Lao động - Xã hội dịch sang tiếng Việt với tựa đề "The Wonder Weeks Tuần khủng hoảng". Ngoài ra, cụm từ The Wonder Weeks cũng được nhắc đến trong cuốn sách Nuôi con không phải là cuộc chiến" (2016)(2) của tác giả  mẹ Ong Ong và Bubu Hương với tên gọi là Tuần phát triển kỹ năng và tinh thần.

Tuần Khủng hoảng (The Wonder Weeks) là gì? 

The wonder weeks là gì?

The Wonder Weeks là khoảng thời gian từ 1 đến 2 tuần, trẻ trở nên khó chịu và đòi hỏi nhiều hơn với 3 biểu hiện chính: khóc (crying), bám lấy mẹ để có cảm giác an toàn (clinginess), cáu kỉnh (crankiness). Việc này khiến các ông bố bà mẹ hoang mang, không hiểu chuyện gì đang xảy ra với đứa con của mình. Tác giả gọi thời gian khó ở này là thời gian kén chọn của trẻ (fussy phases/ periods), mình có thể hiểu là trong khoảng thời gian này, trẻ chỉ muốn làm một số việc mà trẻ thích.

Tại sao trẻ lại khó chịu vào tuần khủng hoảng? 

Tại sao trẻ lại khó ở?

Lý do trẻ bị khủng hoảng được cho là trẻ đang phải trải qua những thay đổi lớn (big changes) về thể chất (physical changes) và hệ thần kinh (the nervous system) mà chủ yếu là não bộ (brain). Sau khoảng thời gian khó ở này, trẻ sẽ đạt được những kỹ năng mới (new set of skills). Đây cũng được xem là bước nhảy vọt (a leap) trong quá trình phát triển của trẻ. Những thay đổi về thể chất và não bộ cùng với biểu hiện khó ở của trẻ được xem là dấu hiệu của bước nhảy vọt đó (signs of a leap).

Như vậy: the wonder weeks = the fussy phases + leaps. 

Tuần khủng hoảng diễn ra lúc nào? 

The Wonder Weeks nghiên cứu sự phát triển của trẻ từ lúc sinh ra cho đến 1 tuổi rưỡi. 10 mốc thời gian kén chọn mà bố mẹ cần nhớ là khi con rơi vào các tuần tuổi sau: 

1 năm đầu đời: tuần 5 - 8 - 12 - 15 - 23 - 24 - 34 - 42  và tuần 51

Năm thứ 2:  tuần 60 và tuần 71.

Các mốc thời gian trên được tính bắt đầu tính từ ngày sinh của trẻ sinh đủ tháng. Như vậy sẽ có chút điều chỉnh về thời gian dành cho trẻ sinh non hoặc sinh già. Với trẻ sinh non thời điểm khó ở sẽ diễn ra muộn hơn. Còn trẻ sinh già, mốc thời gian khó ở của trẻ sẽ diễn ra sớm hơn.

Ví dụ the wonder week khi trẻ ở tuần tuổi thứ 5:

  • Kỹ năng đạt được: Những nhận thức của trẻ về thế giới xung quanh bắt đầu thay đổi. Các giác quan phát triền giúp trẻ nghe, nhìn, ngửi sự vật được lâu và nhiều hơn. Trẻ cũng bắt đầu phản ứng lại với thế giới bên ngoài bằng việc cười, hóng chuyện, thích được âu yếm. Trẻ có nhiều thì giờ để tiếp xúc với thế giới bên ngoài hơn khi mà thời gian trẻ thức dài hơn. Những cảm giác khó chịu trước đây của trẻ như nôn trớ, ợ hơi, nấc cũng giảm dần. 
Vỗ về giúp con cảm thấy được che chở.
  • Biểu hiện khó ở: trẻ bỗng nhiên quấy khóc cả ngày; khó ngủ, ngủ không yên giấc và hay khóc giữa giấc ngủ; trẻ đòi mẹ bế cả ngày. Bố mẹ có thể thử áp dụng một vài mẹo giúp con bình tĩnh trở lại khi con la hét (soothing tips) như: bế con úp con vào người cho đầu con tựa vào vai, vỗ về, con có thể cảm nhận được nhịp tim đều đều của mẹ. Bố mẹ có thể bế và đu đưa con nhẹ nhàng hoặc bế con ngồi trên ghế đu đưa (a rocking chair); bế và đi chậm quanh trong nhà; nói chuyện hoặc hát cho con nghe; vỗ nhẹ nhàng vào mông của con. 

Kinh nghiệm áp dụng tuần khủng hoảng của mình:

Vì đã biết con sẽ khó ở trong những tuần khủng hoảng từ cuốn sách "Nuôi con không phải là cuộc chiến" nên mình khá là bình tĩnh khi chăm bạn nhỏ nhà mình trong năm đầu tiên của bạn ý. Thực ra lúc con khó ở, cũng rất khó cho mình để có thể nhớ hết những lời khuyên từ sách. 

Một cách hay là quan sát con từng chút một xem con đang cần gì. Đôi khi chỉ cần một cái ôm, vỗ về, trò chuyện, hát một bài hát nhỏ nhẹ, đu đưa giúp con cảm thấy được quan tâm, che chở. Mình hay nói đùa, an ủi với con là con đang lạ nhà đúng không? Con vừa rời khỏi cái bụng nhỏ bé ấm áp của mẹ và giờ thế giới này rộng lớn quá, con ngợp, con sợ, nên con khóc ấy mà.

Tham khảo thêm:

(1) https://www.goodreads.com/book/show/9684947-the-wonder-weeks-how-to-stimulate-your-baby-s-mental-development-and-he

(2) https://toituhoc102.blogspot.com/2020/06/nuoi-con-khong-phai-la-cuoc-chien-1.html


Bài viết được xem nhiều

Sách và kiến thức: Phương pháp E.A.S.Y là gì?

Phim và bài học: Ngôi nhà nhỏ trên thảo nguyên Những mùa Giáng sinh không thể quên

Cảm nhận sách: Totto-chan cô bé bên cửa sổ