Chuyển đến nội dung chính

Tổng hợp sách: động lực ở bên trong

Neale S. Godfrey tác giả của cuốn sách "Tiền không mọc trên cây" (2006) cho rằng để thuyết phục một đứa trẻ 3 tuổi tiết kiệm tiền, hãy cho con biết rằng con sẽ dùng số tiền này mua những thứ mà con yêu thích. Chính cảm giác sung sướng khi có được món đồ mà con hằng ao ước sẽ khiến con vui vẻ tự giác cất giữ một phần tiền tiêu vặt của mình và cũng tự giác cân nhắc không hoang phí tiền bạc. 

Brian Tracy tác giả của cuốn sách "Thuật quản lý thời gian" (2008)(1) cũng chia sẻ một trong những yếu tố quyết định thành công trong việc quản lý thời gian là bản thân phải xác định được "những tôn chỉ cá nhân" cũng là những mục tiêu quan trọng của cuộc đời. Chỉ có như vậy thì chúng ta mới có thể nghiêm túc sử dụng thời gian của mình một cách cần mẫn, có tính toán, có chủ đích và hiệu quả được. 

Từ hai ví dụ trên cùng với những gì mà mình đã trải qua (được nhìn thấy hoặc là người trong cuộc), để tự giác hành động (dù là việc tốt hay việc xấu) thì trước tiên cần phải có động lực của riêng mình.

Điều này cũng có nghĩa, cho dù điều mình chia sẻ và mình mong muốn ở người khác nó có tốt đẹp, có đúng đắn đến đâu, nhưng bản thân người nghe họ không có động lực của chính họ, thì việc chia sẻ, khuyên nhủ ấy của mình là một việc hoàn toàn vô ích.

Chưa kể rằng, việc khuyên nhủ, bảo ban quá nhiều sẽ khiến mình ngày một xa cách họ hơn. Bởi khoảng cách về quan điểm sống giữa mình và họ cứ ngày một càng rõ ràng và lớn dần hơn sau những lần nói chuyện kiểu bảo ban nhau như vậy. 

Chà! Vậy làm thế nào để tạo động lực từ bên trong cho chính bản thân mình và cho cả người khác? 😕

*****

Tự đặt câu hỏi

Một trong hai câu hỏi quan trọng Brian Tracy cho là nên hỏi bản thân đó là "Tại sao mình phải làm công việc này?". Khi trả lời được câu hỏi này thì bản thân cũng đã tìm ra được mục đích của hành động. Trước khi bắt tay vào làm một việc gì, tạo một thói quen, hỏi chính mình: "Tại sao phải làm?, Liệu việc này có đáng để làm không?, Nó sẽ tốt cho ai, cho những gì?" Khi mình mệt mỏi và muốn dừng lại bất cứ công việc gì, mình lại hỏi "Lý do ban đầu khiến mình bắt tay vào công việc này là gì?" :D

Hữu xạ tự nhiên hương

Dominique Loreau người viết cuốn sách "Nghệ thuật tối giản: Có ít đi, sống nhiều hơn"(2), tên bản gốc tiếng Pháp là: "L'Art de la simplicité" - 2005) cho rằng:

"Chúng ta không nên cố gắng thay đổi người khác (dù là theo hướng tích cực). Hãy ngưng việc giải thích. Hãy vui vẻ để người khác hỏi bạn về bí mật của niềm hạnh phúc viên mãn mà bạn đang có. Cách duy nhất để ảnh hưởng đến người khác là bằng một ví dụ: bạn hãy hành động theo cách mà họ sẽ tìm cách để đạt tới một cuộc sống như bạn, những thái độ sống như bạn, những ý tưởng như bạn ... Giúp đỡ người khác nghĩa là khuyến khích họ suy nghĩ. Hãy không nói gì cả. Bạn sẽ truyền cảm hứng cho sự tôn trọng nhiều hơn là kết quả. Nếu bạn tìm cách bảo vệ quan điểm của mình, bạn chỉ đơn giản là đang lãng phí năng lượng của chính mình mà thôi."

À thì cũng có phần đúng. Thực tế là, khi mình càng nói nhiều, giải thích nhiều, mọi việc đã chẳng đi về đâu. Người nghe dường như có cảm giác tội lỗi vì cứ như thể họ là người vô dụng (nên người khác mới vô tư khuyên nhủ, bày vẹ họ phải làm cái này cái kia).

Chưa kể, liệu rằng họ có thấy được là mình đang tôn trọng họ hay không? Bởi cho lời khuyên một cách tùy tiện, dễ dãi cứ như vô tình cướp đi quyền được hỏi của người nghe. Thay vì chủ động cho họ lời khuyên sao không để họ chủ động hỏi và tìm đến mình khi họ thực sự cần ý kiến của mình.

Thôi, tốt nhất là không nói gì cả. Hãy cứ sống tốt cuộc sống của chính mình, lan tỏa niềm hạnh phúc mà mình đang có. 

À hóa ra "Hữu xạ tự nhiên hương" là vậy. 😉

Đọc nhiều sách

Doanh nhân người Mỹ cũng là tác giả của 7 cuốn sách bán chạy nhất của New York Time - Harvey Mackay đã từng nói rằng:

 "Cuộc đời của chúng ta thay đổi theo hai cách: thông qua những người chúng ta gặp và những cuốn sách mà chúng ta đọc." 

Đọc sách một cách hay giúp mình đối thoại với chính mình - tự vấn và lay chuyển những ý niệm cố hữu trong mình.

Những cuốn sách self-help có những giá trị riêng của nó: rõ ràng, súc tích, mang tính kêu gọi, thúc giục mình hành động ngay lập tức và là những ví dụ rất đời thực - vì nó ghi chép những trải nghiệm, kinh nghiệm của chính người viết.

Trong khi đó, những cuốn sách văn học khó khăn hơn một chút. Để rút ra được bài học thay đổi nhận thức cần phải hoàn tất một chuyến đi dài, phải tưởng tượng ra được hình ảnh, cảm xúc và đôi khi đến cuối câu chuyện mà mình vẫn còn mơ mơ màng màng. Nhưng theo thời gian, bài học sẽ dần dần hé mở, có thể mình phải trải đời thêm một chút mới hiểu được ý nghĩa đằng sau của câu chuyện.


Động lực có nhiều ở các trang sách, đọc sách giúp mình tìm kiếm những động lực ấy. Nếu mình không đọc cuốn "Bài học diệu kỳ từ chiếc xe rác" (2010) của David J. Pollay thì sẽ không bao giờ biết được động lực phi thường của Jackie Robinson - một cầu thủ bóng chày da đen - đã vượt qua sự phán kháng, kỳ thị quyết liệt của khán giả và cả đội đối thủ như thế nào, mỗi khi anh chơi trong các trận đấu. Nhiều người có thể hỏi, "Tại sao Robinson không từ bỏ để bản thân anh không phải bị đối xử tồi tệ như vậy?" Nhưng bạn biết không, Robinson có một mục đích khác lớn hơn cả việc trở thành tay chơi bóng giỏi. Mục đích đó giúp anh kiên trì chơi bóng, bất chấp lời la hét, ném đá, chửi rủa của cổ động viên trên khán đài hay thái độ lạnh nhạt, coi thường của đồng đội. Hơn hết cả, anh không có một sự phản kháng hay hận thù nào:

"Tôi phải làm. Tôi phải chơi bóng vì nhiều lý do. Cho người trẻ da đen, cho mẹ tôi, cho Rae (vợ của Robinson, người luôn đồng hành, động viên Robinson) và cho chính tôi. Tôi đã bắt đầu có cảm giác tôi chơi bóng là vì Branch Rickey". 

Branch Rickey là ông bầu của đội bóng chày Brooklyn Dodgers, người đã kiên trì bỏ nhiều thời gian, đi nhiều nơi để tìm ra Jackie Robinson - người thích hợp nhất. Ông cũng là người đã hoàn toàn đặt niềm tin vào Jackie Robinson sẽ có đủ những phẩm chất để chơi bóng tốt: Không phản kháng, không hận thù cho dù bị đối xử tệ đến đâu, mục đích cuối cùng của anh ta là tập trung chơi bóng thật tốt. Đây chỉ là một trong số những ví dụ để lại ấn tượng sâu sắc nhất cho mình về động lực và nghị lực của bản thân. 

Phi thường

Mình có thể tìm thấy họ vì họ ở quanh mình. Đó là cha mẹ mình - những người đội nắng, gió, mưa hay những vất vả mà mình không thể tưởng tượng nỗi để làm việc và nuôi sống gia đình.

Mình tự hỏi tại sao những bác làm nông, làm muối, bác xe ôm, bác làm nghề bốc vác, họ không ở nhà cho mát mẻ, mà ra ngoài trời 30 - 40 độ nắng chang chang, hay ngâm mình ở trời mưa để kiếm tiền?

Hay những người mẹ sao lại nhận nuôi những đứa trẻ đau ốm dù không phải do mình sinh ra, sao "mẹ Út" lại có thể chịu cực bán máu nuôi con (trong chương trình "Mẹ tuyệt vời nhất"). 

Những người mình vừa kể trên là những người có động lực rất lớn. Động lực làm việc của họ là tương lai của những đứa con mà họ yêu thương và đặt nhiều hy vọng. 

Harvey Mackay nói đúng, "cuộc sống của chúng ta thay đổi theo hai cách: thông qua những người ta gặp và những cuốn sách ta đọc."

Mình cứ đi tìm cho mình một hay nhiều động lực tốt đẹp để sống có ý nghĩa hơn, ít nhất là vì chính bản thân mình.

Một động lực tốt sẽ chỉ dẫn cho mình biết làm thế nào để quản lý tiền bạc hợp lý, quản lý thời gian hiệu quả và có một thái độ sống đúng đắn hơn như Jackie Robinson đã làm. Từ đó, cuộc sống của mình sẽ hạnh phúc hơn bởi những điều tốt đẹp nhất. Chỉ có động lực tốt mới là cái khiêng chắc chắn giúp mình chống đỡ những khó khăn, thử thách, cám dỗ của cuộc đời. Nó giúp mình sống tích cực hơn mỗi ngày, yêu cuộc sống hơn, tôn trọng và yêu mến được nhiều người hơn, cho dù trong số đó, có không ít người không yêu mến mình./.

pixabay.com

Tham khảo thêm:

(1). https://toituhoc102.blogspot.com/2020/07/thuat-quan-ly-thoi-gian-cach-quan-ly.html

(2) https://toituhoc102.blogspot.com/2020/06/loi-song-toi-gian-nhung-cuon-sach-khien.html

Bài viết được xem nhiều

Sách và kiến thức: Phương pháp E.A.S.Y là gì?

Phim và bài học: Ngôi nhà nhỏ trên thảo nguyên Những mùa Giáng sinh không thể quên

Cảm nhận sách: Totto-chan cô bé bên cửa sổ