Chuyển đến nội dung chính

Cảm nhận sách: Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ

Cuộc sống vốn dĩ không chỉ là những niềm vui kéo dài bất tận, cũng như nhà văn không thể mãi nằm trong chăn và chờ chú Hùng sang đánh thức mỗi sáng.

Ai rồi cũng sẽ phải lớn, phải đối diện với những mất mát, khổ đau của cuộc đời, có thể quên hoặc nhớ. Nhưng thứ còn lại nhất định phải giữ đó là tình yêu thương giữa con người với nhau.

Nguồn: Pixabay

Những mảnh ghép vui tươi

Hãy bắt đầu với những mảnh ghép ký ức về bố. Trong trí nhớ của nhà văn, bố là người đã tập cho ông cách đoán tên các loại hoa trong vườn bằng cách dùng tay chạm vào cánh hoa, dùng mũi để ngửi hương hoa. Bố còn bày cho cách lắng nghe và đoán chính xác vị trí phát ra âm thanh. Những trò chơi đơn giản lại vô tình là cách rèn luyện các giác quan trở nên nhạy bén. Nhờ cái tai thính của tác giả, mà thằng Tí - bạn của tác giả, đã được bố cứu sống khi nghe tiếng kêu cứu của nó sau ao nhà. Nhờ ngửi hương hoa lài mà nhà văn đã giúp cho mấy đứa bạn con nít - chỉ vì cái tính tò mò, háu chiến đi lạc trong rừng dưới cơn mưa đêm lạnh - đã tìm được đường trở về nhà. Ở những chương đầu, ký ức vui vẻ chứa đựng những bài học mà nhà văn chẳng bao giờ quên được. Đó cũng là những kỷ niệm gắn kết giữa nhà văn và bố.

Những buổi sáng nằm trong chăn đợi chú Hùng sang đánh thức lại là thói quen đáng yêu của nhà văn. Lời đối thoại hỏi đáp ngô nghê, dễ thương của hai chú cháu, tiếng cười trong trẻo vui tươi. Cảm giác háo hức chờ đợi chú Hùng sang để ôm vào cổ chú khiến cho mình cũng cảm thấy chút buồn lây cho nhà văn khi số lần chú Hùng sang chơi thưa dần, từ sau khi chú lấy cô Hồng làm vợ. Chuyện chú Hùng thích cô Hồng mà ngại chẳng nói ra cũng là một trong những ký ức vui vẻ, đẹp đẽ nhất. 

Cửa sổ và hoa, nguồn: Pixabay.com
Mảnh ghép ký ức về mẹ là một ký ức êm đềm và đẹp đẽ nhất. Mẹ có mái tóc dài đen như dòng suối. Hình ảnh mẹ ngồi bên thềm cửa chải tóc những lúc đợi bố đi làm đồng về có lẽ đã in sâu trong tâm trí của nhà văn. Mẹ vừa dịu dàng, đảm đang vừa mạnh mẽ vừa dễ yếu lòng. Mẹ thường bảo nếu yêu ai thì nói cho người ta biết người ta vui. Mẹ cùng con lùa đàn gà tránh bọn diều hâu. Mẹ ngồi thẩn thờ chẳng buồn đến mái tóc đang xõa của mình mà khóc thương cho bé Thương và cô Hồng. Mẹ lại mạnh mẽ thấu hiểu cho nỗi buồn vô tận của chú Hùng khi mất đi bé Thương. Mẹ êm đềm ngồi chải tóc.

Trong ký ức tuổi thơ của nhà văn có đủ âm thanh sắc màu mùi hương. Bản nhạc của ma-xơ du dương như những giọt ký ức đọng lại sau cùng. Âm nhạc giúp cho con người ta sống mãi trong ký ức của những người đang sống. Hình ảnh cây đàn piano nằm yên không bóng người ngồi đánh, nhưng cứ ám ảnh văng vẳng bên tai những thanh âm và hình ảnh khiến cho mọi thứ, đối với nhà văn, cứ như chỉ vừa mới xảy ra vào ngày hôm qua - những hôm ngồi nghe ma-xơ chơi đàn. 

Những mảnh ghép buồn
Có lẽ đám cưới của chú Hùng và cô Hồng cứ như phát súng báo hiệu cho sự xuất hiện của những ký ức buồn sẽ liên tiếp xảy ra. Cho dù trước đó, câu chuyện của ông Tư mất đi đôi cánh tay và không cứu sống được cậu học sinh năm nào cũng đã nhen nhóm những cảm xúc buồn. Nhưng đó là câu chuyện mà nhà văn được nghe kể lại. Dù sao chuyện cũng đã lâu rồi và dễ nguôi ngoai. Còn bây giờ là những câu chuyện buồn chính nhà văn - một đứa trẻ ở lứa tuổi tiểu học sẽ phải tự mình chứng kiến, cảm nhận. Chính vì vậy mà ký ức sẽ khó phai mờ hơn. 

Việc chú Hùng lấy cô Hồng không còn là niềm vui như nhà văn vẫn hay nghĩ tới nữa. Khi có vợ, chú Hùng phải dành nhiều thời gian cho gia đình nhỏ của mình hơn. Chú làm lụng chăm chỉ nuôi sống bản thân và cả cô Hồng. Chính vì thế mà chú cũng ít sang chơi với nhà văn hơn. Trông chú cũng hốc hác đi nhiều, râu tóc mọc dài. Có vẻ như nhà văn dần dà hiểu được câu chuyện khi có gia đình người ta sống bận bịu hơn, có nhiều trách nhiệm phải gánh vác hơn.
nguồn: Pixabay,com
Khi cô Hồng trở dạ rồi sinh non, niềm vui khi tìm được một cái tên đẹp chưa kịp trọn vẹn, niềm vui được làm cha của chú Hùng chưa kịp đến thì nó đã vụt tắt mãi mãi. Cô Hồng thiếu máu nhiều quá, bé Thương không thể cứu sống được. Nỗi buồn ấy lại kéo dài như nỗi buồn của những ngày mưa. Chú Hùng cứ đi làm từ sớm rồi về tối muộn như là cách để quên đi sự mất mát của chính mình. Nhà văn học được một điều rằng, để ai đó tự nguôi ngoai đi nỗi buồn thì cũng cần phải cho họ thời gian. Việc duy nhất chúng ta cần làm là kiên nhẫn chờ đợi, chia sẻ nỗi buồn với người đó. 

Ông cháu lão ăn xin nằm thoi thóp ngoài chợ. Thằng bé ăn xin chỉ có mỗi con dế đã chết khô từ lâu nằm trong hộp diêm để làm bạn. Đó không phải là một ký ức vui, nó buồn là đằng khác. Ký ức về một số phận kém may mắn. Thằng bé không được đi học. Ngày ngày, hai ông cháu đem số tiền xin được ra đếm, rồi vui vẻ nói về khu vườn to rộng mơ ước ở quê. Nhưng thằng bé đó cũng có lòng tự trọng và cả tình yêu thương đối với những người đối xử tốt với nó. Nó đã chôn con dế nó yêu thích cùng với ma-xơ - người đã luôn dành cho nó những quả na. 

Thằng Tí người bạn chết hụt vì bị rắn cắn. Có lẽ đây là ký ức chênh vênh nhất - bên bờ sự sống và cái chết, giữa việc giữ lời hứa - thất hứa. Cái cảnh nghĩ về đám tang thằng Tí nó vừa tội vừa buồn cười vừa hồi hộp. Đọc đến đâu mình cứ tò mò liệu nó có chết không? rồi còn thầm nghĩ lạy trời cho nó sống. Cái cách mà nhà văn miêu tả cảnh mẹ thằng Tí ôm mặt khóc, kể lể về nó cũng rất chân thật. Chẳng có ai thương con như những người mẹ cho dù chúng dại dột và chẳng bao giờ chịu nghe lời.
Nguồn: Pixabay.com
Khi đọc ở những chương đầu của cuốn truyện, mình cũng dần hiểu ra được tựa đề truyện có thể gợi nhớ đến trò chơi nhắm mắt ngửi hương đoán tên các loài hoa trong vườn - một vườn hoa bên khung cửa sổ. Nhưng đến khi đọc xong, mình nhận ra, có lẽ truyện còn cho mình nhiều hơn một trò chơi.

Tuổi thơ của một đứa trẻ chính là cách mà chúng được trải nghiệm cuộc sống. Để rồi khi lớn lên, nó không chỉ nhớ những cảm xúc, khuôn mặt, ánh mặt, nụ cười của những con người, bằng một mối nhân duyên nào đó, họ đã ghé qua cuộc đời của nó. 

Tuổi thơ còn là những bài học và lời dạy vắn tắt sâu sắc mà người lớn đã nói với nó. Nhà văn bằng một cách rất tự nhiên, viết về những chiêm nghiệm cuộc đời xen lẫn giữa những dòng cảm xúc tuổi thơ, nhẹ nhàng sâu lắng. Có lẽ vậy mà những bài học không hề khô khan, triết lý hay sáo rỗng. Điều này làm mình nhớ đến một số truyện mình đã đọc qua, như "Cho tôi một vé đi tuổi thơ" của nhà văn Nguyễn Ngọc Ánh, hay "Dế mèn phiêu lưu ký" của nhà văn Tô Hoài. 

Một điều thú vị nữa là khi đọc "Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ" cũng khiến mình liên tưởng đến mạch truyện của cuốn sách "Totto-chan cô bé bên cửa sổ": cũng bắt đầu với những câu chuyện tuổi thơ vui tươi, trong sáng, sau đó là những câu chuyện mang nhiều cung bậc cảm xúc của mất mát, của tiếc nuối hơn khi mà những đứa trẻ hôm nào trở nên hiểu chuyện hơn.

Và giờ đây, phảng phất đâu đây trên trang sách có lẽ là mùi hương của hoa tỏa ra từ khung cửa sổ./.

Hình bìa sách, nguồn: Internet

---

Ghi chú:

"Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ" là truyện dài thiếu nhi của nhà văn Nguyễn Ngọc Thuần (quê quán ở Bình Thuận). Truyện đạt giải Nhất cuộc thi Văn học Thiếu nhi lần III (2000) và giải Peter Pan Award (2008) dành cho tác phẩm thiếu nhi hay nhất của Thụy Điển. 

Xuyên suốt 19 chương trải dài trên 202 trang sách, nhà văn đưa mình trở về với từng vùng miền ký ức tuổi thơ. Nơi đó có bố mẹ của nhà văn, vợ chồng chú Hùng cô Hồng, ông Tư (ba của cô Hồng), thằng Tí, con Thương (bạn cùng lớp của nhà văn), ông cháu lão ăn xin, những bà ma-xơ. Nó không hẳn chỉ toàn là những ký ức vui vẻ nhất. Bởi đan xen ở những chương cuối có cả những ký ức buồn đến miên man không thể nào tả nỗi. Dường như nhà văn cố tình đi từ những ký vui vẻ nhất cho đến những ký ức đau buồn nhất. Đó là ký ức của chết chóc: Chuyện ra đi của bé Thương là con gái đầu lòng của chú Hùng và cô Hồng. Đó là đám ma của thằng Tí suýt chết hụt vì bị rắn cắn. Rồi chuyện ma-xơ ở nhà thờ mất; chuyện cậu bé học trò năm xưa mà ông Tư không cứu được do bom mìn và hai cánh tay đứt lìa của ông Tư cũng không còn do bị bom dội./.

Lisbon, 04.08.2020

---



Bài viết được xem nhiều

Sách và kiến thức: Phương pháp E.A.S.Y là gì?

Phim và bài học: Ngôi nhà nhỏ trên thảo nguyên Những mùa Giáng sinh không thể quên

Cảm nhận sách: Totto-chan cô bé bên cửa sổ