Chuyển đến nội dung chính

Tóm tắt sách Chờ đến mẫu giáo thì đã muộn phần 2: Giáo dục sớm

Năng lực cảm nhận âm nhạc

Jonh Sebastian Bach là nhà soạn nhạc, nghệ sỹ người Đức tài ba (vỹ cầm, organ, đại hồ cầm, đàn harpsichord, ông sinh năm 1685 và mất năm 1750). Âm nhạc giao hưởng cổ điển của Bach được đánh giá là "có chiều sâu trí tuệ, đáp ứng những yêu cầu chuyên môn, và thấm đẫm nét đẹp nghệ thuật."
Theo quan sát của Ibuka Masaru, những đứa trẻ ở một nhà mẫu giáo tại một xưởng sản xuất Sony của ông, nếu chúng được cho nghe nhạc Bach trong khi khóc hoặc quấy thì chúng sẽ trở nên vui tươi trở lại. 

Nhưng nếu thay bằng một bản nhạc Jazz thì trẻ còn khóc to hơn nữa. Ông cho rằng, có thể với người lớn, nhạc giao hưởng cổ điển có vẻ gì đó thật xa lạ và khó hiểu, nhưng với trẻ thì những âm điệu đó lại rất thú vị. Và điều đó khiến ông cho rằng, trẻ ở tuổi ấu thơ có khả năng cảm thụ âm nhạc những thể loại phức tạp như nhạc giao hưởng.

Bơi

Ibuka Masaru cho rằng học bơi là một cách rất tốt để giúp trẻ ăn ngon miệng hơn, ngủ ngon giấc hơn, tăng cường sự phản xạ của hệ thần kinh, tăng cường về thể chất, vận động và đó chính là một bước để mở ra cánh của của tài năng của trẻ. 

Giải thích tại sao trẻ sơ sinh có thể bơi được, tác giả đã chia sẻ luận điểm của Lisette Deem trong bài phát biểu của bà về việc trẻ sơ sinh 0 tuổi cũng có khả năng bơi tại Hội nghị Thể thao quốc tế cho nữ giới lần thứ 6 (8/1969). Theo đó, bà cho rằng vì "trẻ sơ sinh có thể giữ thăng bằng trong nước tốt hơn trong không khí nên chúng có thể bơi."

Ngoại ngữ

Câu chuyện của Nagata Masuo là một minh chứng cho luận điểm này. Ông là một nhà giáo nhưng đã từ bỏ công việc để theo đuổi một sự nghiệp cao cả hơn đó là dành hết tâm huyết nuôi dạy con. 

Ông bắt đầu giáo dục sớm cho đứa con trai đầu lòng của mình lúc cậu bé 2,5 tuổi và cô con gái khi được 3 tháng tuổi. Phương pháp của ông là cho các con cùng một lúc học 5 thứ tiếng: Anh, Tây Ban Nha, Ý, Pháp, và Đức. 

Dư luận lúc đó đã cho rằng ông đang tạo áp lực cho các con của mình. Chúng sẽ phát triển không bình thường như những đứa trẻ khác. Trong khi đó, ông lại tin tưởng rằng phương pháp của ông không có gì là nặng nề và áp đặt. Ông giải thích, mình cho các con nghe chương trình dạy tiếng nước ngoài trên Radio; những bản tin phát bằng tiếng Anh được phát lại bằng tiếng Pháp. Mỗi lần chơi những bản nhạc piano viết bằng tiếng Ý, ông giải thích và viết ra cho con hiểu bằng tiếng Anh, Đức, Pháp. Mặc dù chúng có thể không hiểu hết nhưng chúng học ngôn ngữ bằng cách cảm thụ âm nhạc. 

Khi có ý kiến cho rằng việc học cùng một lúc nhiều ngôn ngữ như vậy sẽ làm cho con trẻ bị loạn chữ. Thì ông cho rằng, các chương trình học tiếng nước ngoài dành cho thiếu nhi rất nhẹ nhàng, luyện cho trẻ cách phát âm rất cẩn thận. 

Điều này càng chứng minh một điều, việc học cái gì không quan trọng, quan trọng là phương pháp mà cha mẹ lựa chọn cho con có phù hợp với khả năng của trẻ hay không.

Trẻ khiếm thính

Ông tin rằng trẻ khiếm thính có thể nghe được, chỉ cần cha mẹ kiên trì và có niềm tin thường xuyên nói chuyện với con. Bởi nếu cha mẹ cứ tin rằng trẻ bị khiếm thính không thể nghe thấy và bỏ qua giai đoạn 0-3 tuổi thì con sẽ mãi không nghe được.

Trò chuyện với con

Khi được 2-3 tháng tuổi, con bắt đầu ê a hãy trò chuyện với trẻ. Tác giả cho rằng đây là thời điểm tốt nhất để trẻ ghi nhớ vào não mình những sự vậy, hình ảnh. Bất kỳ lời nói hay hành động nào của mẹ cũng sẽ vô tình nhập tâm trong đầu trẻ. Và khi trẻ ê a, mẹ nên để ý trò chuyện với con để giúp con phát triển khả năng ngôn ngữ và trí tuệ. 

Ở giai đoạn 0-3 tuổi, trẻ chưa nói rõ từ, nhưng không phải vì vậy mà người lớn lại nói chuyện với trẻ bằng ngôn ngữ của trẻ con (nhõng nhẽo, hay nói chớt, nói ngọng). Trẻ hoàn toàn có thể hiểu ngôn ngữ của người lớn. Hãy phát âm đúng chuẩn, rõ ràng điều này không chỉ giúp trẻ học được cách phát âm chuẩn mà còn gửi một thông điệp lớn hơn: chúng ta đang nói chuyên với con như một người lớn đấy, con yêu. 

Quát mắng

Ibuka Masaru cho rằng trẻ sẽ suy nghĩ tiêu cực khi bị cha mẹ la mắng. Và thay vì la mắng hãy khen ngợi khi con làm đúng và nên bày tỏ thái độ không hài lòng khi trẻ làm sai. Việc này vô cùng quan trọng, bởi khi con bị cha mẹ la mắng về một việc gì đó, con sẽ cho rằng chính con đã làm một việc xấu. Và chính việc làm sai đó gây tổn thương và tạo cho con những nỗi buồn mãi không thể xóa nhòa trong tâm trí.

Quan điểm này cũng giống như lời giải thích của cụ Vitalis với cậu bé Rémi trong tiểu thuyết "Không gia đình" của nhà văn Pháp Hector Malot. Ông cụ giải thích tại sao ông không nổi giận với những con vật trong gánh xiếc khi chúng không tập luyện tốt. Thay vào đó, ông còn tỏ ra nhẹ nhàng hoặc một chút không hài lòng với câu nhắc nhở nghiêm nghị. Ông bảo nếu ông giận dữ, các con vật sẽ sợt sệt mà sự sợ hãi sẽ làm tê liệt óc thông minh. Phần khác, khi tỏ thái độ giận dữ với chúng, là chính ông đã vô tình dạy chúng cách giận dữ. Tóm lại, giận dữ, la mắng trong giáo dục là một điều cấm kỵ và không nên.

Hứng thú

Khi để ý thấy con có hứng thú và đam mê đặc biệt với một cái gì đó, cha mẹ hãy nhanh chóng có phản ứng kịp thời để giúp trẻ duy trì sự hứng thú và đam mê đó. Ở giai đoạn ấu thơ, hứng thú và đam mê của con trẻ sẽ chỉ xuất hiện trong giây lát và có thể thui chột đi rất nhanh. Việc cha mẹ cần làm là hãy nuôi dưỡng mầm chồi đam mê đó phát triển. Ngoài ra, trẻ sẽ nhớ lâu, học nhanh với những gì trẻ có hứng thú nhất. Vì vậy, cha mẹ sẽ là người vô cùng quan trọng để định hướng rằng khi lớn lên con sẽ giỏi về một lĩnh vực nào đó. 

Có thể với một số người, đặc biệt là những ai trước giờ luôn ủng hộ cho phương pháp giáo dục tự nhiên, những quan điểm của Ibuka Masaru sẽ không giúp ích được nhiều. 

Tuy nhiên, đây có thể là một tham khảo cho những ông bố bà mẹ muốn thay đổi và làm khác đi tư duy giáo dục truyền thống. 

Những quan điểm của tác giả, có thể phù hợp hoặc không phù hợp, tùy thuộc vào nhận thức cũng như quan điểm, văn hóa của từng gia đình, bố mẹ và bản thân thiên tính của đứa trẻ. Mặc dù vậy, giáo dục không nên khuôn mẫu đó chính là kim chỉ nam giúp cha mẹ có thể dễ dàng vượt qua những khó khăn trong quá trinh nuôi dạy con cái của mình. 

Nguồn: internet

Bạn có thể tìm thấy bài viết liên quan đến cuốn sách này ở dưới đây:

Bài viết được xem nhiều

Sách và kiến thức: Phương pháp E.A.S.Y là gì?

Phim và bài học: Ngôi nhà nhỏ trên thảo nguyên Những mùa Giáng sinh không thể quên

Cảm nhận sách: Totto-chan cô bé bên cửa sổ