Chuyển đến nội dung chính

Cách tạo thói quen đọc sách cho người mới bắt đầu

Động lực đọc sách: Đọc sách để làm gì?

Pixabay.com

Việc một người nghĩ gì về những cuốn sách, về việc đọc sách sẽ quyết định phong cách đọc cũng như thể loại sách mà người đó sẽ chọn đọc. Với nhiều người, đọc sách là để giải trí nhưng cũng có người đọc sách để lấy thông tin và học hỏi kiến thức. Có người chỉ thích đọc sách hư cấu (fiction: truyện, tiểu thuyết), sách hồi ký, số khác lại thích đọc nonfiction,  self-help. 

Những cuốn sách đơn thuần là nơi chứa những thông tin, sự việc được sắp xếp theo một ý đồ nào đó của người viết. Việc phân loại sách chỉ mang tính tương đối dựa vào cách viết và mục đích riêng của tác giả. Đôi khi đọc một cuốn sách fiction nhưng lại có rất nhiều bài học và kiến thức trong đấy chẳng khác gì đọc một cuốn nonfiction cả. 

Vì vậy, bạn hãy thử tìm cho mình một vài lý do nặng ký đủ sức thuyết phục bạn hình thành và duy trì thói quen đọc sách trong suốt quãng đời còn lại nhé! Hoặc đơn giản đọc sách chỉ để đọc thôi cũng được mà.

Khởi đầu càng dễ càng tốt

thói quen đọc sách nên được hình thành từ lúc bạn còn rất nhỏ thì càng tốt. ảnh Pixabay.

Bước đầu bạn có thể đọc những cuốn sách có sẵn trong nhà bạn. Nếu ngại đọc những cuốn sách dài, dày và khó hiểu, bạn có thể thử chọn truyện ngắn, dễ đọc, ví dụ như Tôi là Bêtô, Totto-chan cô bé bên cửa sổ, Phù thủy xứ Oz, Chuyện con mèo dạy hải âu biết bay. 

Bạn biết đấy, thói quen đọc sách nên được hình thành từ lúc bạn còn rất nhỏ thì càng tốt. Nhưng nếu bạn không có thói quen này ngay từ bé và bây giờ, khi đã trưởng thành, bạn muốn xây dựng nó thì bạn vẫn có thể cho mình một cơ hội làm từ đầu. Tức là bạn sẽ cũng đọc sách như những đứa trẻ, bắt đầu với những cuốn dễ đọc, thú vị. Những cuốn sách trên không quá dài, mạch truyện dễ nắm bắt, dễ hiểu, có chút hài hước, cảm xúc các nhân vật đan xen có thể giúp bạn cảm nhận được một chút thú vị của việc đọc sách. Mục đích của việc đọc sách lúc này không có gì cao siêu cả. Đơn giản là hình thành niềm vui trong đọc sách. Nó giúp bạn cảm tình với những cuốn sách - những người bạn đồng hành với bạn trong sự yên tĩnh chứ không phải cái gì đó khô khan, tẻ nhạt. 

Không có gì lo lắng hay xấu hổ khi chỉ mới cầm cuốn sách trên tay, lật giở vài trang sách, đọc vài dòng mà đã đau đầu, tâm trí không yên, mí mắt chực chờ sụp xuống vì buồn ngủ. Hãy đọc sách vào lúc khác. Đừng ép bản thân phải đọc hết ngay cả cuốn sách trong 1 lần. Cầm, ngắm nghía cuốn sách. Đọc một vài câu, sau dần vài trang, vài chương, từng bước nhỏ, vào mỗi ngày cũng là bước đầu nhẹ nhàng và thành công tốt đẹp.

Đa dạng thể loại sách đọc

Tự do lựa chọn đọc nhiều thể loại sách. ảnh Pixabay.

Khi đọc sách trở thành thói quen thì sách cũng giống như một món ăn tinh thần. Có người thích ăn món này món kia, sách cũng vậy. Có người chẳng bao giờ đọc dòng sách self-help. Phần vì thể loại này kiểu nói hô hào, lý thuyết của người viết. Phần vì người đọc họ thích sự vòng vo, ẩn ý và tự giác ngộ của dòng sách fiction hơn. Đó gọi là khẩu vị đọc sách. 

Tuy nhiên, lúc mới bước đầu tạo thói quen đọc sách, giới hạn bản thân trong một vài thể loại sách thì khá là thiệt thòi. Nhất là khi, bản thân cũng chưa biết mình thích thể loại nào nữa. Giải pháp là cứ đọc thoải mái tất cả những cuốn sách mà bạn biết được. Trải nghiệm nhiều sẽ giúp bạn có câu trả lời chính xác nhất. Làm sao mà khi gặp bất kỳ cuốn sách nào bạn cũng có thể nhanh chóng cầm lên đọc vài trang và biết được cảm giác của mình về cuốn sách đó, vậy đã cũng là một thành công lớn rồi đó.

Sách giấy, sách nói: 

pixabay.com

Sách giấy: Hãy đọc sách giấy thay vì đọc sách bằng máy tính (bản PDF) hay sách kindle (dạng MOBI) sẽ không dễ dàng nhất là đối với những người mới hình thành thói quen đọc sách. Bạn sẽ khó nắm bắt nội dung cuốn sách hơn khi các trang cứ chạy lung tung khi phải dùng tay lướt hoặc dùng bàn phím hay con chuột. 

Khi đọc sách giấy bạn sẽ có một trải nghiệm hoàn toàn khác. Mọi giác quan của bạn đều có thể cảm nhận cuốn sách: trí óc, tai, mắt, tay, mũi. Những ngón tay của bạn có thể lật từng trang sách, bạn có thể dùng bút chì gạch dưới chân những câu văn hay có ý nghĩa đối với bạn. Bạn có thể cảm nhận mùi giấy và mực in. Bạn nghe âm thanh sột xoạt và vào nhau của những tờ giấy, tiếng lật giở trang sách. Cầm cuốn sách trên tay bạn biết được cuốn sách này nặng hay nhẹ. Nói cách khác, khi đọc sách giấy bạn và cuốn sách được kết nối với nhau ở mọi mặt không chỉ dừng lại ở việc đọc hiểu nội dung cuốn sách.

Sách nói: Nghe sách nói cũng là một khởi đầu khá thú vị nếu bạn nghe được những giọng đọc diễn cảm truyền được linh hồn của cuốn sách thì càng giúp bạn yêu thích việc đọc sách hơn. Ví dụ như mình đã từng nghe "Chuyện con mèo dạy hải âu bay" biết bay từ kênh Hẻm Radio(1) và rất thích giọng đọc của Trần Ngọc San.

Đọc thành tiếng: Sau một khoảng thời gian liên tục đọc sách cho con nghe mỗi tối trước khi đi ngủ, mình nhận ra là khi đọc sách thành tiếng, đọc một cách diễn cảm cũng giúp mình yêu thích việc đọc sách hơn. Đã bao lâu rồi bạn chưa nghe giọng đọc của chính mình kể từ ngày bạn không còn phải ê a đọc dò bài như những đứa trẻ mới tập đọc nữa? Lắng nghe giọng đọc của chính mình cũng là một việc thú vị đúng không? Vừa thân quen, vừa lạ lẫm và có chút ngại ngùng. 😅

Ghi chép 

khi viết về cuốn sách là bạn đang cố gắng nhớ về cuốn sách thêm một lần nữa. ảnh Pixabay.

Ghi chép khi đọc sách(2) cũng khá hữu ích: củng cố những thông tin quan trọng và những ấn tượng mà cuốn sách đã in dấu trong nhận thức và tình cảm của bạn. 

Viết một vài dòng cảm nghĩ về cuốn sách bạn mới đọc xong giúp bạn nhớ về cuốn sách lâu hơn. Bởi vì khi viết về cuốn sách là bạn đang cố gắng nhớ về cuốn sách thêm một lần nữa. Bạn nghĩ gì về ẩn ý của tác giả? Nhân vật trong truyện khiến bạn liên tưởng đến ai trong cuộc sống của bạn?

Tất nhiên không phải ai cũng thích ghi chép. Bạn có thể nói chuyện, chia sẻ, kể với bạn bè, người thân nghe về cuốn sách mà bạn đã đọc (nhân vật, bài học), nói cho họ biết bạn (không) thích cuốn sách như thế nào?

Ghi chép hay chia sẻ về cuốn sách mà bạn đang đọc sẽ giúp bạn thêm một lần nữa củng cố những gì bạn đọc được và lĩnh hội được từ cuốn sách đó. 

Câu chuyện của mình:

Pixabay.com

Tại sao mình đọc sách?
Với mình mỗi cuốn sách là một người thầy. Đọc xong mỗi cuốn sách cũng là một chuyến đi một ngày đàng một sàng khôn. Khi ngồi một mình với cuốn sách trong tay, mình không cảm thấy cô đơn. Sách là một người bạn đồng hành. 

Ngoài ra vì cũng mong muốn làm gương cho con nên mình muốn duy trì thói quen đọc sách.(3) Mình cũng cảm thấy rất may mắn vì khi có con mình có thêm động lực và cơ hội cùng con đọc sách nhiều hơn. Khi mà thể loại sách văn học thiếu nhi, sách làm cha mẹ giờ đây chiếm phần lớn số lượng sách mà mình đang đọc, mình đã dành một mục ở Blog chỉ để viết về những cuốn sách mình đã đọc.

Hình thành và duy trì thói quen đọc sách:
Mình có cơ hội được đọc nhiều sách hơn trong vài năm trở lại đây. Khi mình có nhiều thời gian rãnh hơn và bắt đầu tìm hiểu về thiền, Phật giáo, kiến thức sức khỏe, lối sống tối giản thông qua những cuốn sách. Việc viết bài chia sẻ về những cuốn sách mà mình đọc trên Blog này cũng góp phần tạo động lực để mình đọc sách nhiều hơn. 

Mình cũng mất một thời gian để khởi động lại việc đọc sách thường xuyên. Bước đầu cũng từ những cuốn sách fiction thiếu nhi (Dế Mèn phiêu lưu ký, Chuyện con mèo dạy hải âu bay, Không gia đình), sau đó là những cuốn self-help (Thuật quản lý thời gian, Tiền không mọc trên cây, Nghệ thuật tối giản có ít đi, sống nhiều hơn, Bốn thỏa ước) và những cuốn sách làm cha mẹ. 

Mình đọc sách giấy và nghe sách nói là phần lớn trong thời gian đầu. Sau đó, vì chưa có điều kiện mình chủ yếu tìm sách điện tử trên mạng tải về Kindle đọc. Bí lắm thì mới đọc sách trên máy vi tính, thường là những cuốn không kiếm đâu cho ra được bản Mobi. 😕

Ghi chép khi đọc sách là thói quen mới của mình mục đích để mình có thể viết bài chia sẻ trên blog. Mình thường dùng sơ đồ mindmap để ghi chép ý chính của cuốn sách. Thường sách nonfiction, self-help dài, nhiều kiến thức mindmap rất hiệu quả trong việc giúp mình nắm bố cục sách, biết phần nào mình cần đọc. Với truyện, fiction nói chung mình không ghi chép mấy, chủ yếu là sau khi đọc, nếu mình có cảm xúc mạnh mẽ, nhiều ý tưởng suy nghĩ về cuốn sách, nhân vật, cốt truyện mình sẽ viết nháp thẳng trên blog này luôn. 

Chúc bạn sớm có thói quen đọc sách mỗi ngày nhé!

(Chỉnh sửa lần cuối: 20/4/2023)

Tham khảo thêm:

Bài viết được xem nhiều

Sách và kiến thức: Phương pháp E.A.S.Y là gì?

Phim và bài học: Ngôi nhà nhỏ trên thảo nguyên Những mùa Giáng sinh không thể quên

Cảm nhận sách: Totto-chan cô bé bên cửa sổ