Chuyển đến nội dung chính

Lối sống tối giản, đồ đạc và nhiều hơn thế

Chọn lối sống Tối Giản, tại sao không?

Nguồn: Pexels

Thời gian gần đây, nhiều người quan tâm và nói nhiều về lối sống Tối Giản. Nhiều kênh YouTube lập ra để chia sẻ không gian sống tối giản. Nhà càng ít đồ, càng nhiều không gian trống càng tốt. Người độc thân hay sống với gia đình, người nuôi hoặc không nuôi thú cưng, không chỉ có người Châu Á, mà người Châu Âu, Châu Mỹ cũng đang sống tối giản. 

Điểm chung, khi sống tối giản họ cảm thấy khoẻ hơn, vui hơn và rất rất yêu ngôi nhà của mình.🤗😍

Tại sao vậy?

Nhiều người bắt đầu nhận ra mặt trái của lối sống vật chất: mua sắm quá mức cần thiết khiến cho không gian sống bị thu hẹp vì để chứa đồ đạc, không có thời gian để dọn dẹp, không có khoảng trống để thở và sống.

Rồi thời trang nhanh (Fast fashion) xuất hiện với giá thành rẻ, mẫu mốt bắt mắt nhưng chất lượng kém thì những lo lắng về rác thải là áo quần ra môi trường là rất lớn. 🤔

Nhiều người quan tâm hơn đến chất lượng cuộc sống và tương lai của môi trường Trái Đất. Họ ý thức hành vi tiêu dùng, mua sắm của mình sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến Trái Đất. Lối sống tối giản giúp họ dễ dàng thay đổi thói quen cũ, sống tận hưởng hơn, khoẻ mạnh hơn, vui vẻ hơn. 

Hiểu thế nào là tối giản?

Có nhiều cách diễn giải về lối sống này. Sống tối giản tức là loại bỏ những gì dư thừa, không cần thiết và tập trung vào những gì quan trọng với bản thân và cộng đồng.

Vậy những người sống tối giản mua sắm và sở hữu đồ đạc như thế nào? 🤔

1. Thử thách "No spending":

Nguồn: Pexels

Một vài người chọn không mua sắm gì thêm và sử dụng tối đa những gì mà họ đang có. Ví dụ như trước khi mua một món đồ nào đó, họ sẽ tự hỏi liệu món đồ mới có khác gì với món đồ mà họ đang có: mẫu mã, đặc biệt là công năng sử dụng. Nếu câu trả lời là không, họ nhất quyết không mua. Như chia sẻ của tác giả bài Tedx Talk "Stop Buying Stuff".(1)

2. Nguyên tắc "one in, one out":

Nguồn: Pexels

Một vài người ưu tiên mua đồ thiết yếu và đa năng. Một số đồ họ sở hữu chỉ đúng 1 cái mà thôi.(2) Khi một đồ vật mới mua về thì một đồ vật cũ ra đi. Đây là nguyên tắc "One in, one out".

Ví dụ như giày thể thao đi bộ, chạy bộ, mang cho đến khi không thể mặc được nữa thì mới mua đôi giày mới. Như chia sẻ của YouTuber kênh A to Zen Life(3).

3. Đồ cũ: quyên góp, mua bán.

Mua đồ cũ không chỉ tiết kiệm tiền mà còn tránh lãng phí, giảm rác thải ra môi trường.
Nguồn: Pexels

Quyên góp, bán lại những món đồ không sử dụng nữa như quà lưu niệm, kỷ vật, những đồ vật mà ta nghĩ sẽ cần dùng đến một lúc nào đó nhưng không biết rõ lúc đó là lúc nào. 🤷 

Làm sao bỏ đi kỷ vật là những đồ vật thuộc về những người thân yêu mà vì một lý do nào đó ta không thể ở cùng? 

Đồ vật ra đi nhưng tình cảm vẫn còn. Món đồ chỉ là cái cớ khiến ta nhớ đến người thân. Nếu chúng ta không ngừng nhớ và kể những câu chuyện về họ, thường xuyên nhắc đến tên của họ thì họ vẫn mãi sống trong trái tim và trí nhớ của ta.

Trong khi đó, có thể có ai đó đang rất cần đến món đồ này. Vậy thì hãy để món đồ ấy ra khỏi cái hộp giấy và tiếp tục vòng đời sử dụng của mình. 

Trước khi bỏ đi, ta có thể vẫn lưu giữ hình ảnh của chúng bằng cách chụp hình và quay phim. Ví dụ như một vài người chọn cách chuyển các bức ảnh in thành đĩa CVD. Đó cũng là một cách hay. Bạn có thể thấy ý tưởng này trong bài nói chuyện TEDx Talks: The Real Cost of Clutter(4).

Những món đồ ta đang có sẽ đi về đâu nếu một ngày ta không còn trên đời này nữa? Ai sẽ cất giữ, sử dụng, bảo quản chúng? Chúng có thể trở thành rác không? 

Món đồ chỉ có ý nghĩa với người sở hữu nó. Nó cũng có giá trị sử dụng đối với ai đó đang cần. Vậy thì, hãy bắt đầu thường xuyên lọc ra và sắp xếp đồ đạc: mỗi ngày, mỗi tuần, mỗi năm. Dặn lòng, chỉ được giữ lại bên mình những món đồ thực sự cần và sẽ sử dụng thường xuyên.

Câu chuyện của mình:

Từ vô tình biết đến tìm hiểu và yêu luôn lối sống tối giản:


Nguồn: Pexels

Cơ duyên: Tháng 5 năm 2019, lần đầu tiên mình xem một video trên Youtube nói về lối sống tối giản(5). Đây cũng là thời gian mình đọc cuốn sách "The Happiness Project"(6) nói về việc dọn dẹp nhà cửa đã khiến tác giả sống hạnh phúc hơn.

Vốn từ trước mình cũng không thích sở hữu nhiều đồ đạc nên khi biết đến lối sống này mình nhanh chóng có cảm tình.

Học hỏi thêm và duy trì: Sau đó mình tìm thêm sách để đọc, cố gắng duy trì lối sống này bằng cách học cách sắp xếp tủ áo quần (7), phòng bếp, lọc và phân loại giấy tờ. Mình cũng lọc và bỏ đi một vài thứ không thường xuyên dùng đến. Ví dụ chỉ để trên kệ tủ một vài chén dĩa đủ dùng cho hàng ngày. Số còn lại cất vào một tủ khác, khi có tiệc sẽ lấy ra dùng.

Mình luôn cố gắng suy nghĩ sắp xếp đồ đạc sao cho mình và mọi người trong nhà cảm thấy thoải mái và dễ dùng nhất có thể. Ví dụ sắp xếp áo, quần, tất riêng trong từng hộp nhựa trong cho dễ dàng nhìn và lấy ngay khi cần. Mỗi người trong gia đình sẽ có một học tủ riêng. Giấy tờ của mỗi người để một tệp riêng, có dán nhãn tên loại tài liệu để khi cần tìm cho nhanh.

Có tiếp tục sống tối giản hay không? Đến hôm nay, việc duy trì lối sống tối giản giúp mình tiết kiệm rất nhiều thời gian dọn dẹp nhà cửa. Tâm trạng sẽ thoải mái hơn rất nhiều khi sống trong không gian sạch, thoáng đãng và gọn gàng. 

Dậy sớm hơn hay ngủ muộn hơn một chút, tầm 5 đến 10 phút để dọn dẹp giúp mình duy trì thói quen dọn dẹp hiệu quả. Dọn dẹp ngay sau khi thức dậy buổi sáng mang đến cảm giác tươi mới, không gian rộng mở có thể lấp đầy nguồn năng lượng đủ xài cho một ngày sống mới. 💪🌻🌬️

Đôi khi nhà cửa lộn xộn không phải vì bạn lười biếng mà có thể là bạn có quá nhiều đồ đạc, cách bố trí nhà cửa (thiếu tủ, hộp chứa đồ, không gian chia nhỏ) không tiện cho bạn dọn dẹp mỗi ngày.

Dưới đây là một số thói quen tối giản của mình. Bạn có thể tham khảo nhé!

1. Đồ dùng và tủ áo quần:

Nguồn: Pexels

Đồ cũ mua và bán: mình chọn mua những đồ cũ khá bền và ít sử dụng như cũi trẻ em, bàn ghế, tranh treo tường.

Khi mua điện thoại mới mình bán ngay chiếc điện thoại cũ với giá bằng 10% giá gốc sau 5 năm sử dụng cẩn thận. Nếu không bán đi, thì mình sẽ không biết vẫn có người cần đến chiếc điện thoại này. Nếu không được sử dụng, chiếc điện thoại ấy sẽ là rác, rất lãng phí.

Áo quần, giày dép: Mình bỏ rác những áo quần không thể mặc được nữa (rách, bạc màu, xạc giãn vải). Chỉ quyên góp những áo quần còn đẹp và mặc được. Giày thể thao cũng chỉ có một đôi dùng từ năm 2019 đến 2022, khi mà đôi giày đó không thể mang được nữa (đế mòn, rách vài chỗ). 

Tủ áo quần càng đơn giản càng tốt, có thể biết được bao nhiêu cái áo và quần. Áo quần màu sắc không lèo loẹt, mẫu mốt không cầu kỳ, ưu tiên chất lượng vải tốt, thấm hút mồ hôi, không bị xù, ra màu sau nhiều lần giặt. Trang phục phải mang lại cảm giác thoải mái nhất, có thể mặc ở nhà và đi ra ngoài mà trông vẫn thấy ổn.

2. Sách và đồ dùng khác:


Nguồn: Pexels

eBook hay sách giấy: Mình thích sách và thích đọc sách nhưng mình không tích trữ sách giấy. Mình ưu tiên đọc sách điện tử (eBook) trên Waka(8). Thay vì mua đồ vật mình có thể dùng dịch vụ tương ứng. Thay vì mua sách giấy mình dùng App đọc sách điện tử.

Mình chỉ mua và giữ lại bên mình cuốn sách nào mà mỗi lần đọc lại đều mang đến cảm giác thư thái. Hiện tại, mình có hai cuốn sách giấy. Một trong số đó là cuốn sách về Lối sống Tối Giản. 

Lưu trữ sách: Ý tưởng xé và giữ lại trang sách có nội dung hay thay vì giữ nguyên cả cuốn sách, với mình là lãng phí. Thay vào đó, chụp ảnh trang sách hay ghi chép những câu văn tâm đắc vào cuốn sổ tay (nguyên văn hoặc mindmap).

Nếu không bị xé một vài trang sách thì cuốn sách đó có thể được đem tặng, đem cho hoặc bán lại. Còn một khi đã bị xé rồi thì nó không khác gì là rác và rất lãng phí.

Sử dụng đồ dùng lâu nhất có thể: "Của bền tại người". Sử dụng đồ đạc cẩn thận (ví dụ, điện thoại nên có đồ bọc bảo vệ, áo quần nên được giặt, gấp, là ủi thường xuyên, giày dép siêng năng làm sạch) là một cách hay để đồ vật luôn trông như mới và dùng được lâu nhất có thể. Vừa không phải thường xuyên thay đồ mới mà lại đỡ tốn kém không cần thiết.

Ngoài ra, luôn nói không với hàng hoá chất lượng kém. Chỉ xuống tiền với hàng hoá chất lượng tốt và chính hãng cũng là yếu tố quyết định hàng đầu đến việc bạn có sử dụng đồ được bền lâu hay không.

3. Tối giản mua sắm: 


Nguồn: Pexels
Lên kế hoạch mua sắm: để tránh mua sắm những sản phẩm không cần thiết thì việc lập danh sách, lên kế hoạch mua sắm là một cách khá hữu hiệu với mình. Có một vài lần mình cũng mua lặp lại những món đồ mà mình đã có ở nhà. 🤷 Sau này mình không tích trữ đồ dùng hay thực phẩm nữa mà cứ khi nào xài hết rồi thì sẽ mua thêm. 

Lên kế hoạch mua sắm còn giúp mình tiết kiệm tiền. Bằng việc biết trước đồ gì cần mua, cái nào cần gấp, cái nào không mình có thể mua được hàng chất lượng, giá tốt trong những dịp khuyến mãi. 

Cần và muốn: Có vài lần mình mua ngay những món đồ vừa trông thấy ở siêu thị mà mình không hề có ý định sẽ mua. Và khi ra về, những thứ cần mua thì lại không mua. Cân nhắc cần và muốn trong khi mua sắm giúp mình cải thiện tình trạng này.

Đồ nào mình thích, mình cứ thoải mái cho hết vào giỏ hàng. Trước khi thanh toán tiền, mình sẽ lọc lại một lần nữa bằng cách hỏi bản thân cái nào là cần thiết và cái nào không. Sẵn sàng để lại món đồ không cần thiết lên kệ hàng và ra về không tiếc nuối. Đây chính là việc phân biệt giữa cái mình cần và cái mình muốn. Mỗi lần thực hành nguyên tắc này, tin mình đi, bạn sẽ cảm thấy bản thân rất lý trí và rất sáng suốt (kèm theo một chút tự hào về bản thân nữa đó nha).

Trì hoãn mua sắm: là một cách hay ho để xem món đồ đó có thực sự cần thiết hay không. 

Tùy vào thời gian mỗi người chọn: 24 giờ, 3 ngày hay 30 ngày, miễn là không bấm nút mua ngay tại thời điểm dùng internet là được. Thường thì mình sẽ chọn 3 ngày. Trong khoảng thời gian trì hoãn này mình liên tục hỏi bản thân: thiếu món đồ đó thì cuộc sống của mình sẽ như thế nào? So sánh món đồ mới với món đồ cũ về tính năng, mẫu mã có gì khác biệt không?

Mình đã áp dụng nguyên tắc này khi muốn mua ví tiền. Cuối cùng mình trả lại cửa hàng cái ví mới vì cái ví cũ vẫn nhỉnh hơn: vừa nhỏ gọn lại chứa được nhiều đồ. Đến giờ mình vẫn hài lòng với quyết định đó, không có ý định mua ví mới nữa, trừ khi một ngày đẹp trời nó hỏng cái dây kéo. 💆

4. Tối giản cuộc sống số:

 
Nguồn: Pexels

Email: xoá ngay những email không quan trọng ngay sau khi đọc.

Lưu trữ ảnh, video, tài liệu: Ảnh, video trên Google Photo hay tài liệu trên Drive, thư từ trên Gmail cũng giống như những đồ đạc mình sở hữu trong nhà. Mình chỉ cần giữ một vài thứ đẹp nhất, ý nghĩa nhất để xem lại khi cần. Đây cũng là cách tiết kiệm 15GB lưu trữ mà Google cho phép người dùng sử dụng miễn phí (mẹo: dùng app One Google để lọc và xoá những tài liệu lớn, chất lượng kém)

Trình duyệt web: thường xuyên xóa lịch sử truy cập mạng trên trình duyệt Google, lướt web cũng sẽ mượt hơn.

Facebook: bạn bè trên Facebook không cần phải lên đến 5 nghìn người và cũng không cần thiết phải bấm theo dõi tất cả. Chỉ nên theo dõi một vài người thân thiết mà mình thường xuyên trò chuyện. Nếu biết cách sử dụng thì Facebook sẽ giúp ta xây dựng và duy trì mối quan hệ tốt với người thân và bạn bè.

Nguồn: Pexels

Điện thoại: xoá tin nhắn không quan trọng, xoá lịch sử cuộc gọi, xoá số điện thoại lưu trùng lặp trong danh bạ, xoá app không dùng đến. Ưu tiên chọn giao diện điện thoại đơn giản, nhẹ, icons rõ ràng. Nhóm các App cùng chức năng vào một Folder, vừa dễ quản lý màn hình điện thoại lại ngăn nắp.

Các mối quan hệ: Mình luôn có đủ thời gian để quan tâm đến những người quan trọng với mình và có đủ thời gian để làm những việc quan trọng. Bằng cách ưu tiên tập trung vào điều quan trọng và những điều thứ yếu sẽ mờ nhạt đi(9). 

Zalo, Messenger, What'sapp, Chat Gmail là phương tiện để mình quan tâm, trò chuyện, chia sẻ những điều hay ho với những người bạn và người thân. Nếu biết cách sử dụng, các ứng dụng này sẽ giúp mối quan hệ với bạn bè, gia đình của mình không bị gián đoạn, thêm gắn kết. 

Chia sẻ kiến thức: Mình không còn vồ vập, nóng lòng muốn chia sẻ ngay trên Facebook những thông tin, kiến thức hay ho mà mình vừa mới đọc được. Chia sẻ cũng cần phải đúng cách. Tức là lịch sự, khéo léo, không khoe khoang và nên khơi gợi được trí tò mò, ham thích tìm hiểu thêm. Đặc biệt, làm sao để người được chia sẻ không cảm thấy bản thân họ yếu kém. Để họ vui vẻ nhận ra chính họ mới là người khám phá ra tri thức là một việc không dễ dàng.

Đâu cứ phải cái gì hay với mình là sẽ hay với người khác. Mình sẽ hỏi trước xem người ta có quan tâm không. Mình có thể lưu lại, viết bài trên trang blog này với niềm tin là sẽ luôn có ai đó đang thực sự cần đến bài chia sẻ này. Khi ai đó có động lực muốn học hỏi thì sớm muộn gì họ cũng sẽ tìm ra nơi có câu trả lời.(10) 😎

Còn bạn thì sao, bạn có biết và áp dụng lối sống tối giản không? Bạn có cảm nhận như thế nào về lối sống tối giản? 🥰

(Lần chỉnh sửa cuối: 19/4/2023)

Tham khảo thêm:





Bài viết được xem nhiều

Sách và kiến thức: Phương pháp E.A.S.Y là gì?

Phim và bài học: Ngôi nhà nhỏ trên thảo nguyên Những mùa Giáng sinh không thể quên

Cảm nhận sách: Totto-chan cô bé bên cửa sổ