Chuyển đến nội dung chính

Sách và kiến thức: 6 nguyên tắc dạy con

Dưới đây là 06 nguyên tắc mà có lẽ được nhiều cuốn sách làm cha mẹ nhắc đến một cách trực tiếp hay gián tiếp. Mình nhận ra giữa những cuốn sách mà mình đã đọc có những điểm giao nhau về ý tưởng của các tác giả, cũng là điều khiến mình cảm thấy lý thú muốn chia sẻ đến các bạn:

  1. Tôn trọng con
  2. Làm cha mẹ cũng cần phải học
  3. Giáo dục là nêu gương
  4. Để dạy con, cha mẹ cần có phương pháp đúng và phù hợp
  5. Giáo dục là tạo thói quen tốt ngay từ nhỏ
  6. Giúp con tự lập là mục đích cuối cùng của giáo dục.

***

Nguyên tắc Tôn trọng con

Dù bạn đang áp dụng phương pháp nuôi dạy nào thì đừng quên rằng con cũng cần được bạn tôn trọng. Pixabay.com

Trong cuốn sách "Đọc vị những vấn đề của trẻ", mặc dù khuyên các cha mẹ nên sớm áp dụng phương pháp nuôi con EASY nhưng Tracy Hogg vẫn nhấn mạnh một điều:

"Hãy quan sát các tín hiệu của con, tình trạng sức khỏe của con và đừng ép con tuân theo các mốc thời gian của EASY."

Ngoài ra, tác giả cũng nói rằng đừng xem EASY như thời gian biểu cứng nhắc, nên áp dụng nó một cách linh hoạt. Vì tôn trọng con, bà cũng đã chỉ ra 5 thiên tính của trẻ. Dựa vào 5 thiên tính đó, cha mẹ có thể hiểu và tôn trọng tính cách bẩm sinh của con, giúp con có thể phát triển khỏe mạnh và ngoan ngoãn.

Hai tác giả của cuốn sách "Chờ đến mẫu giáo thì đã muộn" và "Cha Voi" cũng cùng quan điểm với Tracy Hogg ở cách cha mẹ đối xử với con. Với cuốn  "Chờ đến mẫu giáo thì đã muộn"  ông cho rằng, trẻ 2 tuổi trở đi đã bắt đầu có cảm xúc, suy nghĩ và chính kiến riêng chính vì vậy cha mẹ và người lớn cần lắng nghe và không nên bắt ép con làm theo điều mà cha mẹ và người lớn muốn. Ngay cả khi đứa trẻ chưa biết nói, cha mẹ và người lớn cũng phải nói chuyện rõ ràng, không dùng ngôn ngữ trẻ con và hãy xem con như một người trưởng thành. Việc này sẽ giúp con phát âm chuẩn khi đến tuổi tập nói.

Trong cuốn sách "Cha Voi", tác giả Trương Nguyện Thành cũng thể hiện quan điểm: Hãy tôn trọng con. Ông cho rằng đừng bao giờ ép con ăn. Trong bất kỳ hoạt động nào ông vẫn để con là người chủ động quyết định, cho dù con có thể làm sai (cha mẹ biết trước điều đó) nhưng cha mẹ cũng nên để con tự nhận thấy là con sai và để con tự quyết định sửa sai, làm lại như thế nào cho đúng, Việc này còn giúp con không ngại sai khi chinh phục những thử thách mới trong cuộc sống.

Quan điểm này được nhấn mạnh một cách mạnh mẽ trong phương pháp giáo dục Montessori. Theo đó, người làm giáo dục trẻ cần phải hiểu và tôn trọng sự khác biệt của mỗi đứa trẻ: tốc độ phát triển, khả năng nhận thức, học tập của con.

Nguyên tắc cha mẹ không ngừng học hỏi nâng cao kiến thức làm cha mẹ

Bạn có thể làm mới mình không chỉ bằng áo quần mới mà còn có thể làm mới mình bằng một cuốn sách cũ. Pixabay.com

Trước khi con chào đời, việc cha mẹ tự chuẩn bị cho mình những kiến thức về chăm sóc sức khỏe và kỹ năng nuôi dạy con là rất cần thiết. Không những giúp cha mẹ tự tin nuôi con mà còn giúp cho đứa trẻ được nuôi dạy một cách khoa học và hợp lý. Ở một số nước, ví dụ Nhật Bản và ngay cả Việt Nam, đã có những khóa học làm cha mẹ như vậy dành cho các ông bố và bà mẹ. 

Việc tìm và đọc những cuốn sách phù hợp là cần thiết. Bản thân các tác giả của những cuốn sách mà mình đã và đang đọc sách cũng là những người cha người mẹ rất cầu thị trong việc học hỏi kiến thức nuôi dạy con cái. Hầu hết những gì họ chia sẻ trong sách là những quan sát, nghiên cứu và thậm chí là những trải nghiệm có thật của chính bản thân họ trong suốt quá trình mang thai và nuôi dạy con cái. Ở đó, có những sai lầm ngớ ngẩn mà họ đã mắc phải và có cả những phương pháp nuôi dạy con mà họ đã áp dụng thành công.

Kiến thức không tự nhiên mà có. Nếu như mình lười biếng, không chịu suy nghĩ, tìm tòi chưa chắc mình đã có thể tự tin viết vể 6 nguyên tắc nuôi dạy con trong bài này. 😁

Những cuốn sách, kiến thức vẫn nằm ở đâu đó, nham nhảm trên các trang web đọc và tải sách miễn phí, trên Facebook, YouTube, Podcast và ứng dụng đọc sách điện tử. Nếu mình thực sự quan tâm thì cánh cửa tri thức bao giờ cũng rộng mở cho mình là người thực sự cần đến nó. 

Làm cha làm mẹ là một thiên chức cao quý, nhưng để trở thành những người cha người mẹ tốt thì không còn con đường nào khác, với mình, là không ngừng trau dồi kiến thức và học hỏi từ bất cứ nguồn thông tin nào, mà với mình, mình ưu tiên là đọc sách. 😀

Ở đây, mình cũng chia sẻ, bởi vì nghĩ, làm cha mẹ cũng cần phải học khiến cho đầu óc mình như được mở ra theo đúng nghĩa "open mind". Chắc hẳn mình không phải là người mẹ hoàn hảo. Sẽ có lúc mình cư xử không đúng với con, khiến con bị tổn thương. Chính vì mình chưa biết cách cư xử đúng với con nên mình cần phải học. Nghĩ vậy khiến mình cũng tự bao dung với chính lỗi lầm của mình và quyết tâm học, thay đổi bản thân và làm lại từ đầu cùng với con.

Nguyên tắc cha mẹ làm gương cho con cái

Làm gương đơn giản là cùng làm. Pixabay.com

Hầu hết các tác giả ở những cuốn sách này đều không phải là cha mẹ thuộc nhóm Dễ dãi - bỏ mặc hoặc chiều theo ý thích của con. Bởi họ đều muốn giáo dục con cái của mình một cách có chủ đích và chủ động. Đây là điều mình nhận ra rõ nhất ở cuốn sách "Cha Voi", "Tiền không mọc trên cây". Đơn giản là, tác giả của những cuốn sách này đều đồng ý rằng luôn tạo môi trường cho con học hỏi một điều gì đó hơn là chờ đến khi con phạm sai lầm mới mang kiến thức ra để bày chỉ cho con. Họ cũng không phải dễ dãi chiều theo ý thích, suy nghĩ của con. Họ cho phép con thể hiện suy nghĩ của mình nhưng sau đó họ khéo léo định hướng con, giúp con có thể suy nghĩ thấu đáo hơn. Từ đó, con có thể nhận ra đâu là điều bản thân nên và không nên làm.

Cha mẹ phải làm gương. Ở những cuốn sách này đều cho thấy trẻ con luôn bắt chước theo hành động của cha mẹ một cách vô thức từ lúc con rất nhỏ. Tác giả "Chờ đến mẫu giáo thì đã muộn" cũng cho rằng ngôn ngữ bản địa dễ thẩm thấu vào trẻ nhỏ và sớm hình thành, khó sửa chữa khi đứa trẻ đó lớn lên. Cảm xúc và cách cư xử của người lớn cũng là điều trẻ dễ dàng hấp thu. Chính vì thế muốn trẻ như thế nào người lớn hãy biến mình trở thành như thế đó. Muốn con là một đứa trẻ hay vui cười, mẹ lúc nào cũng phải tươi vui. Ông còn nhấn mạnh rằng, người mẹ muốn giáo dục con, trước tiên phải giáo dục chính mình.

Tác giả cuốn sách "Cha Voi" cũng đồng tình với quan điểm trên. Ông cho rằng muốn dạy con về lòng trung thực, tư duy sáng suốt, ham mê đọc sách thì chính cha mẹ cũng nên là người như vậy, không còn cách nào khác ngoài việc cha mẹ phải làm gương cho con.

Tự nhiên, đọc đến đây mình thấy nhẹ cả người. 😀 À hóa ra để làm cha mẹ mình chẳng cần làm việc gì cao siêu, khó khăn cả. Mình cứ suy từ bản thân mình mà ra thôi. Mình cũng không cần giảng dạy những lời đao to búa lớn. Mình chỉ cần những cử chỉ nhỏ bé. Con sẽ nhìn vào đấy và học theo, nói theo, hành động theo. Mọi thứ thật là đơn giản. Nếu làm được như thế, mình cũng sẽ lớn cùng con, làm người tốt hơn mỗi ngày. :)

Nguyên tắc luôn có phương pháp giáo dục phù hợp

Khi có vấn đề xảy ra cần tìm cách giải quyết phù hợp. Pixabay.com

Nuôi dạy con là một công việc lâu dài. Nó đòi hỏi ở cha mẹ tính kiên trì, nhẫn nhịn và khoa học. Để có thể đồng hành cùng với con trên hành trình dài ấy, cha mẹ cần có một phương pháp đúng và phù hợp. Khi đọc cuốn sách "Cha Voi", mình thấy tác giả giải quyết những vấn đề rắc rối của cậu con trai lớn rất hay, tự nhiên mà hiệu quả. Ông có phương pháp, áp dụng một cách kiên trì cho đến khi có kết quả thì thôi. Và điều quan trọng là ông biết phương pháp nào là phù hợp với con của mình - một đứa bị tự kỷ và đứa còn lại bình thường.

Nguyên tắc giáo dục là xây dựng những thói quen tốt

Đọc sách là một trong những thói quen tốt giúp con phát triển kỹ năng tự học. Pixabay.com

Đây có lẽ là điều mới mẻ với mình . Chính bản thân mình cũng đang tập cho mình những thói quen tốt để thay đổi. Nhưng mình lại chưa bao giờ nghĩ rằng một đứa trẻ cũng cần những thói quen tốt.

Nếu mục đích của phương pháp EASY trong cuốn "Đọc vị những vấn đề của trẻ" là nhằm giúp cho con có được thói quen sinh hoạt khoa học, rèn luyện cho con có được tính kỷ luật về thời gian, giờ nào việc đó thì trong cuốn sách "Làm cha mẹ cũng cần phải học" lại đề cập đến những thói quen tốt như: đọc sách, vệ sinh cá nhân, vận động, đúng giờ. Ở cuốn "Tiền không mọc trên cây", tác giả có đề cập đến việc hình thành thói quen làm việc nhà, thói quen tiết kiệm tiền dành cho trẻ từ 3 tuổi trở đi, thói quen tiêu dùng thông thái: so sánh đối chiếu giá bán cùng một loại sản phẩm của nhiều hãng sản xuất khác nhau, thói quen luôn đặt câu hỏi tại sao.

Từ lúc còn nhỏ tuổi, nếu cha mẹ để ý giáo dục cho con những thói quen tốt, khi lớn lên những thói quen này sẽ trở thành những kỹ năng thuần thục sẽ giúp con dễ dàng quản trị cuộc đời của mình ngay cả khi không có cha mẹ ở bên. Việc tập cho con có được những thói quen tốt là vô cùng quan trọng, điều này cần được cha mẹ ghi nhớ và thực hiện. Những thói quen (dù tốt hay xấu) đều có thể chi phối đến cuộc đời của một con người.

Nguyên tắc mục đích của giáo dục là giúp con Tự lập

Mục tiêu cuối cùng của giáo dục đó là giúp con có thể đứng vững trên đôi chân của mình - CON TỰ LẬP. Cha mẹ không thể suốt đời luôn cặp kè bên con, chăm bẵm và che chở cho con mãi được.

Chính con sẽ là người cầm lái chiếc xe cuộc đời của mình cho đến khi già chứ không phải là cha mẹ.
Pixabay.com

Việc tôn trọng con, hình thành cho con những thói quen, để con phải tự suy nghĩ và giải quyết vấn đề của riêng mình, suy cho cùng, là cũng để con tập quen dần với việc thiếu bóng dáng của cha mẹ kề bên. Chính vì thế, trong suốt quá trình giáo dục con, cha mẹ cần biết khi nào thì nên can thiệp và khi nào thì không. Để trẻ tự ngủ, tự chơi hay tự chuyển giấc khi ngủ, không vội vàng đến bên con ngay khi con bỗng nhiên òa khóc, hay để con tự làm việc nhà, tự vệ sinh cá nhân, để con tự tiết kiệm khoản tiền riêng, tất cả đều nhắm vào việc giúp con TỰ LẬP càng sớm càng tốt.

Đó chắc hẳn cũng là ý tưởng của câu nói "Con nghĩ đi, mẹ không biết" của tác giả Trần Thu Hà./.

06.10.20.

-------

P/s: Còn bạn thì sao? Nếu đọc đến dòng cuối này rồi, có cuốn sách nuôi dạy con nào bạn đã đọc mà thấy hay thì chia sẻ cùng mình biết với nhé! Mình rất vui khi được biết thêm nhiều cuốn sách hay! 😁



Bài viết được xem nhiều

Sách và kiến thức: Phương pháp E.A.S.Y là gì?

Phim và bài học: Ngôi nhà nhỏ trên thảo nguyên Những mùa Giáng sinh không thể quên

Cảm nhận sách: Totto-chan cô bé bên cửa sổ